Vẻ đẹp cô gái Thái ngày xuân (ảnh: Quàng Thị Xỏm).
Còn nhớ, những ngày ở Tây Bắc, ngay cả vào những đêm hè đi ngủ vẫn phải lót lưng bằng chiếc đệm bông lau ấm mềm. Cái lạnh của miền đất này dường như đã giúp cho nhựa sống trong thân cây khẳng khiu ngưng kết thành những bông hoa trắng muốt, ửng hồng miên man khắp các nẻo đường rừng. Nếu được ghé lại nơi đây nhiều ngày, sống giữa những bản của đồng bào Thái mới thấy hết được vẻ đẹp người con gái Thái cần mẫn, cứng cỏi bên trong những vóc dáng thiếu nữ mềm mại đó.
Tôi còn nhớ, mùa xuân, khói nướng bay lẫn với sương núi. Những cô gái Thái thức dậy từ rất sớm khi tiếng gà vừa gáy óc eo trong bản. Đến khi ải, ếm (cha, mẹ) thức dậy thì người con gái đã lên nương, cần mẫn phát cỏ cây, cuốc xới đất, gieo hạt giống cho nương ngô, nương lúa. Chiều về, sau lưng các cô gái lại là gùi măng, nắm rau núi trên tay, bàn tay các cô nhen ngọn lửa cho bếp ấm từng bữa cơm chiều.
Ai đã lạc vào xứ sở của “hoa đào, hoa ban” ấy chẳng khó để bắt gặp các sơn nữ để hỏi thăm, tìm đường. Bàn tay các cố gái Thái hễ ngừng nhát dao, nhát cuốc là nụ cười lại nở trên môi.
Khi mùa xuân về, chúng ta lại thấy các cô gái Thái về trong hội còn. Quả còn như cánh én liệng chao, gửi lời thương đến tay người con trai bên ấy. Những đôi má ửng hồng xấu hổ, tất cả gửi vào trái còn xinh, mong người con trai mà mình thầm thương đón được. Thay cho lời giao duyên qua lại, trái còn bay như dệt cả một vần thơ.
Có lẽ, ra Giêng, hoa xoan rụng tím những ngõ quê là lúc mùa xuân cạn dần ở những làng quê vùng đồng bằng. Nhưng ở vùng Tây Bắc, mùa xuân đã thấm vào đất đai thành những mầm cây xanh biếc, ngân nga trong tiếng hát đi nương, trong nụ cười của các cô gái Thái. Sắc xuân ấy sẽ còn đọng mãi trong vẻ đẹp cô gái Thái, một vẻ đẹp rất riêng ở nơi này. Những mùa xuân Tây Bắc chẳng thể nào quên với thiên nhiên và bóng dáng người thiếu nữ.