Dân Việt

Bỏ cấm vận, tiền đổ về Iran

Đức Hoàng 20/01/2016 07:27 GMT+7
Ngày 19.1, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Valiollah Seif thông báo nước này sẽ nhận được 32 tỷ USD tài sản bị đóng băng sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ với nước này được dỡ bỏ.

Bỏ phong toả 32 tỷ USD

Truyền hình quốc gia Iran dẫn lời ông Seif cho biết, 28 tỷ USD sẽ được chuyển cho ngân hàng trung ương nước này, và 4 tỷ USD còn lại “sẽ được chuyển vào kho bạc nhà nước”. Việc dỡ bỏ phong tỏa số tài sản trên diễn ra sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1, đạt được tại Vienna (Áo) hồi tháng 7.2015. Theo ông Seif, khoản tiền trên sẽ được dùng vào việc “mua và nhập khẩu hàng hóa”, và Ngân hàng Trung ương Iran dự định để khoản tiền này tại các tài khoản ở nước ngoài.

img

Dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ giúp kinh tế Iran khởi sắc từ việc bán dầu. Ảnh: NYT

Thỏa thuận dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran được ca ngợi là “những tiến bộ lịch sử” có lợi cho rất nhiều bên. Đại sứ Iran tại Nga - ông Mehdi Sanai cho biết có 15 lý do mà ông tin rằng xóa lệnh trừng phạt Tehran có lợi cho quan hệ Nga-Iran. Theo ông Sanai, việc dỡ bỏ các hạn chế sẽ thúc đẩy sự phát triển thương mại và du lịch, đồng thời tạo điều kiện tích cực phối hợp hành động trên trường quốc tế.

Tờ Sputnik đăng nhận định của ông Mehdi Sanai cho rằng, Iran trở lại thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá dầu”.

Triển vọng bình thường hoá

" Đại sứ Sanai cho rằng, dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ mở ra những cơ hội hợp tác của Nga và Iran mà không phải vướng bận nhiều đến “yếu tố phương Tây”.

Theo Đại sứ Sanai, lệnh cấm vận từng tác động tiêu cực đến kim ngạch thương mại, giao dịch ngân hàng, mức đánh thuế kinh doanh và nhiều lĩnh vực khác. Giờ đây, những vấn đề này sẽ được tháo gỡ và các mối quan hệ song phương sẽ phát triển tích cực hơn.

Tuy nhiên, về quan hệ Iran và Mỹ, giới chuyên gia cho rằng, mặc dù đã đạt thỏa thuận lịch sử về hạt nhân và trao đổi tù nhân, con đường đi đến bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ với Iran chắc sẽ còn dài.

Điều này đã được thể hiện rõ khi chỉ vài ngày sau khi lệnh trừng phạt cũ được dỡ bỏ , Mỹ đã áp đặt ngay lệnh trừng phạt mới. Ngày 17.1, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận đối với 11 công ty và cá nhân vì hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Bộ Ngoại giao Iran cũng đã đáp trả ngay lập tức lệnh cấm vận mới của Mỹ bằng một tuyên bố nêu rõ: “Iran sẽ đáp trả các biện pháp cấm vận này bằng việc theo đuổi chương trình tên lửa hợp pháp này mạnh mẽ hơn trước và tiếp tục phát triển khả năng quốc phòng”.

Giới phân tích bình luận, tương lai quan hệ Mỹ-Iran tùy thuộc phần lớn vào kết quả bầu cử tổng thống năm nay tại Mỹ. Nếu ứng cử viên Đảng Dân chủ giành thắng lợi thì có thể là mối quan hệ này sẽ tiếp tục đi theo hướng hòa giải. Còn nếu Đảng Cộng hòa giành được Nhà trắng, thì con đường đi đến bình thường hóa bang giao Mỹ-Iran chắc chắn sẽ còn xa vời hơn.