Mười ba năm Táo Quân trên truyền hình, cuộc hôn nhân hài hước giữa khán giả và tích trò, diễn viên hài trên màn ảnh nhỏ đã được mười ba năm. Năm nay, tuy chưa đến ngày phát nhưng nhiều người đoán mò, đã chắc cú kêu nhạt như là một lời nhắc khéo mà nghiêm.
Chắc là do cảm giác từ Tết năm ngoái năm kia. Vả lại, thời nay cũng không có nhiều cuộc hôn nhân mười ba năm mà không thấy “nhạt” với mức độ khác nhau. Tỷ lệ ly hôn khá cao, tỷ lệ “nhạt dần” càng cao hơn tuy chưa ai thống kê được. Cho nên, đề tài “hâm nóng tình yêu”, mẹo làm “sôi động giường chiếu” rất được ưa chuộng trên báo kể cả báo nhà nước cũng như mạng xã hội, không riêng báo lá cải.
Còn chương trình Táo Quân thì sao? Đã có nhiều bình luận trên báo chí. TS Minh Thái, có lẽ là học giả nữ xuất hiện nhiều nhất trên TV năm qua cho rằng, “nhạt là do trên soi nhiều quá” và “cũng có thể do khán giả đòi hỏi ngày càng cao”.
Các ông “bố đẻ”, “bố đỡ đầu” của chương trình Táo Quân nhất trí với TS Minh Thái cái ý “trên soi nhiều”, “né tránh”, nhưng lại đổ cho mạng xã hội. Vì Táo Quân không cập nhật các vấn đề sôi động được như mạng xã hội thành ra khán giả kêu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, có gì mà không nhạt khi diễn lại một tích mà ai cũng biết như lời NSND Khải Hưng. Còn đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói trên báo rằng, khi “khán giả có sẵn định kiến” thì hay mấy cũng thành nhạt.
Vậy là người bên trong, ông Hưng, ông Hải cũng như người bên ngoài như bà Minh Thái đều có mẫu số chung “chương trình bị soi nhiều quá, khó làm hay”. Quả bóng “nhạt” đã được chuyển cho “bề trên”, không rõ ai, tên tuổi gì, quyền hành ra sao nhưng chắc chắn biết nói điện thoại.
Nhiều khán giả và cả tôi nữa, không đồng ý về ý kiến “mạng xã hội làm nhạt Táo Quân”. Nước ốc nhạt không phải vì có quá nhiều cua cá. Nhưng lại rất đồng ý với cả ba người có thẩm quyền phán xét này là Táo Quân nhạt vì “né tránh, bị bề trên soi nhiều” như đã trích dẫn trên. Vậy “bề trên” là ai? Chưa thấy ai cho biết.
Người viết bài này xin bổ sung một nguyên nhân khá quan trọng: đó là, cũng như hầu hết nhà văn nhà báo, nhà soạn kịch và đủ loại gọi là tác giả nước ta, người nào cũng thủ cho mình một cái kéo kiểm duyệt khá sắc. Để làm gì? Để “tự kiểm duyệt” tác phẩm của mình. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết rất hay và rất đích đáng về cái kéo “tự kiểm duyệt” này trong di cảo của ông: “Có phải tôi viết đâu? Một nửa/ Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi! /Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười /Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ/Tôi giết cái cánh sắp bay...trước khi tôi viết /Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ (…)Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.”
Xin lỗi trước các tác giả Táo Quân, tôi không rõ các vị có “giết” nhiều như Chế Lan Viên hay không, nhưng cứ suy từ thực trạng sáng tác văn nghệ mà ra, tôi nghĩ các vị cũng đã “tự kiểm duyệt”, đã “giết” không ít những câu nói hay, chi tiết, tình tiết hay trong các vở diễn. “Viết bằng xương thôi, không có thịt” thì sao khán giả không chán được? Nhưng nếu quả thật các vị không hề “tự kiểm duyệt”, không “giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ” mà chỉ do “trên” soi rồi nhắc, bắt phải cắt cúp thì cũng xin thứ lỗi cho kẻ đoán mò này.
Có một quy luật mỹ học: những gì đã đạt được đến tầm nghệ thuật thì sống mãi. Như Truyện Kiều, như các vở chèo cổ, như kịch Hamlet của Shakespeare, như những pha hề chèo, hề gậy, in hay diễn thời nào cũng được đọc, được xem, không ai chán. Nhưng ngụy nghệ thuật thì chỉ đánh lừa được khán giả, độc giả một thời gian.
Táo Quân kéo dài được 13 số khán giả mới thấy “chán” và “nhạt” đương nhiên đã có nhiều thành công đáng gọi là nghệ thuật hài. Nhưng phần lớn nó nằm trong diễn xuất và tài năng của diễn viên. Những Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long hay Chí Trung v.v. là những tài năng nghệ thuật được công nhận. Buồn là họ lại phải diễn trong những tích trò thời sự, những gì họ diễn trong Táo Quân sống được chủ yếu là nhờ “trò” chứ không đi xa hơn bao nhiêu phóng sự báo chí về tham nhũng, về tệ nạn, về sự trì trệ, bảo thủ và nhàm chán trong đời sống, thậm chí không sâu sắc hơn một số tranh biếm họa thời sự, chính trị trên báo chí nước ngoài.
Cái thiếu chất nghệ thuật của Táo Quân hàng năm là thiếu chiều sâu, thiếu một tư tưởng, một khái quát đặng có thể giúp người ta suy nghĩ và hành động sau khi được cười. Câu hát tuồng cổ: “Nghiến răng cười ha hả Trời ơi!” đã đi xa hơn những cái cười rẻ tiền, mua vui phút chốc mà không làm giàu được chút nào tâm hồn, tư duy của khán giả.
Tôi hiểu rằng, không phải tác giả, nghệ sĩ của Táo Quân không có “ý lớn” hay sao nhãng với nghệ thuật hài đích thực. Đạo diễn Khải Hưng thẳng thừng nói: “Chẳng có gì phải né tránh”. Ấy là ý của anh ấy. Họ không đạt được mức nghệ thuật cần thiết để nuôi dưỡng được tình yêu say mê hài của khán giả là do đã có sẵn một làn ranh biên giới không thể bước qua. Và rất buồn là chính nghệ sĩ cũng không muốn vượt qua. Chạm cái làn ranh ấy là “hết phim” và Ngọc Hoàng Quốc Khánh vẫy tay phán những lời của lưỡi gỗ: “Các khanh đã biết khuyết điểm rồi, hãy rút kinh nghiệm để năm sau làm tốt hơn, nay hãy cùng ta nâng chén…” Không chán sao được?
Nếu là một chương trình minh họa tổng kết thời sự, thời cuộc năm qua thì Táo Quân chưa dám chạm tới cùng sự thật. Nếu là một vở diễn nghệ thuật sân khấu thì thiếu cái cần nhất cho nó sống mãi là gợi một tư tưởng sáng tạo cho người xem mang vào giấc ngủ đêm giao thừa và tỉnh dậy cùng hành động trong ngày đầu năm mới. Lơ lửng con cá vàng mà kéo được 13 số người xem mới thấy nhạt là đã thành công lớn. Hãy xác định nghệ thuật hay thời sự, chỉ mỗi chuyện ấy thôi cũng đã có lối thoát rồi.