Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, mô hình này đang là “cứu cánh” cho ngành nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long.
Đầu tư thấp, hiệu quả cao
Những ngày giáp Tết Bính Thân, người dân ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân…, của tỉnh Cà Mau đang tất bật cho vụ thu hoạch tôm. Ông La Văn Toàn ở huyện Cái Nước vui mừng cho biết: “Năm nay gia đình tôi sẽ ăn tết lớn vì trúng đậm mấy vụ tôm liền. Trước đây gia đình tôi cũng theo người ta nuôi tôm công nghiệp, nhưng chỉ mấy vụ thôi đã mất toi gần nửa tỷ đồng, may mà tôi sớm từ bỏ mô hình tôm công nghiệp chuyển sang nuôi tôm lót bạt mới trụ lại được đến giờ”.
Mô hình nuôi tôm lót bạt đang là “cứu cánh” cho nghề nuôi tôm ở Cà Mau. Ảnh: Hoàng Hạnh
Có chung niềm vui, ông Trần Văn Thuận, ngụ xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước đang rất phấn khởi vì căn nhà mới được làm bằng tiền nuôi tôm vẫn còn thơm mùi sơn. “Nhờ chuyển sang mô hình nuôi mới này mà tôi mới có mấy trăm triệu để xây nhà đẹp cho vợ con ở. Gần 20 năm bám với nghề nuôi tôm công nghiệp, đến giờ này tôi mới thật sự làm giàu được nhờ con tôm” – ông Thuận hồ hởi.
Theo ông Thuận, với mô hình nuôi mới này, mỗi ao nuôi chỉ cần diện tích khoảng 150m2 là đủ, mô hình nuôi ao lót bạt giảm chi phí hơn 50% so với mô hình nuôi tôm công nghiệp, nhưng tỷ lệ tôm sống gần như 100%. Trung bình mỗi vụ tôm, người nuôi thu về vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu sau khi đã trừ chi phí.
Nhiều nông dân khẳng định, khi đáy ao được lót bạt còn được sục ôxy và hút được chất bẩn gây hại cho con tôm. Con giống sau khi thả nuôi gần một tháng đạt trọng lượng 700 con/kg (tôm thẻ chân trắng) sẽ được người nuôi chuyển sang ao nuôi thương phẩm (ao nền đất), giúp tôm lớn nhanh, kháng được dịch bệnh.
Điều quan trọng hơn là mô này không cần nhiều chi phí đầu tư như nuôi tôm công nghiệp. Để có 1.000m2 nhà lưới cần vốn đầu tư khoảng 100 triệu đồng, nhưng tuổi thọ sử dụng được khoảng 6 năm.
Áp dụng nhân rộng
"Để ngành nuôi tôm phát triển bền vững và lâu dài, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đang nghiên cứu, lập phương án để triển khai, nhân rộng mô hình nuôi tôm lót bạt đến người dân trong thời gian tới”. Ông Châu Công Bằng |
Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau thông tin: Hiện Cà Mau có khoảng 9.200ha đất nuôi tôm công nghiệp, nhưng diện tích được bà con thả nuôi hiện nay chưa đầy 40%. Nguyên nhân là do trong năm 2015 dịch bệnh hoành hành và sự sụt giảm về giá khiến cho diện tích nuôi cũng giảm theo.
“Mô hình dùng bạt lót trong ao nuôi tôm đang được bà con nhân rộng bởi nó ngăn cản tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường vào ao nuôi, giúp năng suất tăng cao. Ngành nông nghiệp tỉnh đang có kế hoạch phối hợp với các công ty có uy tín để nhân rộng mô hình này” – ông Bằng nói.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp một số tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, mô hình nuôi tôm lót bạt có năng suất khoảng 100-120 tấn/ha/năm, năng suất cao gấp nhiều lần so với tôm công nghiệp thông thường. Đây là mô hình mang lại hiệu quả đã được chứng minh qua các vụ nuôi, giúp bà con phát triển kinh tế bền vững.