Dân Việt

"Bà con" của rùa Hồ Gươm ở nước ngoài sống thế nào?

Quang Minh – Tổng hợp 21/01/2016 11:00 GMT+7
Cả thế giới chỉ còn 4 cá thể rùa giống ở Hồ Gươm và Đồng Mô, Hà Nội. Vậy 2 con còn lại đang ở đâu và sống như thế nào?

img

Cá thể rùa loài Rafetus swinhoei ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng rùa Hồ Gươm thuộc loài Rafetus swinhoei mai dẹt có hình dạng thuôn gần giống hình chữ nhật. Loài Rafetus swinhoei được cho là loài rùa nước ngọt lớn nhất thế giới. Chiều dài tối đa có thể lên tới 100cm, chiều rộng 70cm và cân nặng từ 70 đến 100kg. Các mẫu vật rùa từng thu được ở sông Dương Tử có cân nặng trung bình 25kg.

img

Các nhà khoa học đang đo đạc kích thước rùa cái tại vườn thú Tô Châu tháng 2.2015.

Các nhà khoa học xác định, trên thế giới chỉ còn 4 cá thể rùa Rafetus swinhoei, trong đó có 2 ở Hồ Gươm và Đồng Mô (Hà Nội, Việt Nam). 2 con còn lại đang sống tại vườn thú Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Hai con rùa này một đực, một cái và có tuổi thọ đều rất cao, được chăm sóc rất cẩn thận. Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Bảo vệ Động vật hoang dã xác định con cái hơn 100 tuổi.

img

Cá thể rùa đực ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc.

Cặp rùa này được ghép đôi sinh sản từ năm 2008 và cho khoảng 150 trứng mỗi năm. Tuy nhiên không một quả trứng nào trong số đó nở thành công. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng tất cả trứng rùa đều không được thụ tinh dẫn đến nghi ngờ khả năng con rùa đực có vấn đề.

img

Cận cảnh loài rùa Rafetus swinhoei.

Tháng 2.2015, các nhà khoa học về rùa và Hiệp hội Bảo vệ Động vật hoang dã thực hiện biện pháp thụ tinh nhân tạo cho rùa cái 100 tuổi sau khi biết được cơ quan sinh sản của rùa đực đã hỏng toàn bộ. Dự án mở ra nhiều hy vọng sản sinh ra một bầy rùa con.

img

 Rafetus swinhoei được cho là là loài rùa nước ngọt lớn nhất thế giới.

Sau vài tuần chờ đợi, 89 trứng đã được đẻ ra. Tuy nhiên, các nhà khoa học thông báo rằng số trứng này không một trứng nào nở thành rùa con. Mặc dù thất bại nhưng tiến sĩ Lu Shunqing, điều phối dự án sinh nở rùa cho biết nhiều bài học quan trọng đã được rút ra sau lần thụ tinh nhân tạo cho rùa.

img

Cá thể rùa  Rafetus swinhoei nằm phơi nắng ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc.

Hai cá thể rùa nuôi ở vườn thú Tô Châu ban đầu được nuôi ở vườn thú Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu, thụ tinh để hy vọng có thể mang theo một bầy rùa con trở về vườn thú Trường Sa. “Có vẻ như biện pháp thụ tinh nhân tạo là cách duy nhất để loài Rafetus swinhoei ở vườn thú Tô Châu có thể sinh nở thành công”, tiến sĩ Lu Shunqing cho biết. “Số mệnh của loài rùa trong tình trạng gần như tuyệt diệt này đang được nhen nhóm trở lại”.