Dân Việt

Mùa đông ấm, linh hoạt chuyển đổi cây trồng

Thanh xuân 22/01/2016 07:15 GMT+7
Hôm qua (21.1), tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ xuân 2016 do Bộ NNPTNT tổ chức, ông Ma Quang Trung (ảnh) - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ xuân này, miền Bắc sẽ đối mặt với vụ xuân ấm (nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm- PV), vì vậy các địa phương cần chủ động chuyển đổi và bố trí cây trồng thích hợp.

Theo dự báo, vụ xuân năm nay sẽ là một vụ xuân ấm. Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đã chuẩn bị giải pháp gì để thích ứng, thưa ông?

img

Người dân xã Đông Phương (Đông Hưng, Thái Bình) cấy vụ đông. Ảnh: Mạc Li

- Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư, năm nay sẽ tiếp tục là một vụ xuân ấm với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-1,5 độ C.  Do đó, Bộ NNPTNT đã sớm đưa ra các giải pháp thông tin tới các địa phương, để từ đó các địa phương thông tin tới nông dân và có giải pháp sản xuất vụ xuân ấm.

Tuy nhiên, do tập quán, thói quen và do cả điều kiện của từng vùng nên hiện đã có nhiều địa phương vẫn cấy xuân sớm. Còn xuân chính vụ, hiện nhiều địa phương đã gieo mạ và đạt từ 3-6 lá. Với xuân muộn sẽ gieo sau lập xuân và cấy sau Tết Nguyên đán.

Do đó, đối với cây mạ, nếu ấm như hiện nay mà mạ được 6 lá thì thời gian rất ngắn nữa mạ sẽ có ống, khi cấy sẽ không đẻ nhánh nữa, cấy xuống thất thu rất lớn nên cần phải nhổ mạ bỏ đi, không nên tiếc.

Vậy điều đó có nghĩa, với các giống ngắn ngày, dù cấy rồi cũng nên khuyến cáo người dân cần nhổ bỏ để cấy lại, thưa ông?

- Theo các chuyên gia cảnh báo, mạ của các giống lúa dài ngày  không đáng lo, nhưng đối với mạ của giống ngắn ngày mà đã 6 lá thì khả năng đẻ nhánh rất thấp, dẫn tới năng suất thấp. Hiện thời gian xuân muộn còn rất dài, khung thời vụ có thể tới hết tháng 2, ngoài cấy mạ non thì có thể cấy bằng phương pháp gieo sạ… nên bà con không nên tiếc mấy cân thóc giống mà bị ảnh hưởng tới năng suất, bởi nếu năng suất giảm thì còn mất hàng tạ, thậm chí hàng tấn thóc.

Theo dự báo  của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư, trong những ngày tới sẽ có đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ có thể xuống tới 7 độ C. Theo ông, cần hướng dẫn người dân phải bảo vệ cho cây mạ đã gieo như thế nào?

  Bộ NNPTNT đã có thông báo về lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2015-2016, khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Theo đó, việc lấy nước sẽ được chia thành 3 đợt. Trong thời gian trên, mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội được duy trì ở mức +2,20m trở lên.

- Đối với thời tiết rét đậm, rét hại, hầu như năm nào cũng có vài đợt. Năm nay mùa đông ấm nên hiện tại chưa có đợt rét đậm, rét hại nào. Theo dự báo, trong các ngày tới từ 22 – 26.2 sẽ có đợt rét đậm, rét hại và khả năng là đợt lạnh nhất của mùa đông năm nay.

Do hàng năm đã xảy ra các đợt rét đậm, rét hại nhiều nên bà con nông dân cũng đã rất quen thuộc với các giải pháp chống rét cho mạ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến các cáo địa phương cần tuyên truyền cho người dân tiếp tục triển khai các giải pháp làm mạ bằng ủ nylon, luôn giữ cho mạ đủ độ ẩm và tăng cường bón tro để giữ ấm cho mạ…

Đối với các diện tích khó khăn về nước, trong vụ xuân này, ngành nông nghiệp có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, thưa ông?

- Chủ trương chuyển đổi đất lúa đã được triển khai từ vài vụ gần đây và khả năng trong vụ xuân này sẽ chuyển đổi khoảng 33.000ha từ Bắc Trung Bộ trở ra, bao gồm cả diện tích chuyển đổi do không đủ nước tưới và những diện tích chuyển đổi theo chủ trương của Bộ NNPTNT chuyển đổi đất lúa sang các cấy trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân, chỗ nào không có nước thì không cấy lúa, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Hiện khu vực miền Trung không có nước, người dân cũng không trồng lúa, chuyển sang cây dài ngày, bộ rễ sâu, nên hạn nhất thời không ảnh hưởng. Còn nơi ít nước có thể chuyển sang cây rau, màu, đặc biệt là cây ngô do nhu cầu trong nước vẫn cần rất lớn.

Xin cảm ơn ông!