Đánh dấu cho bò
Gia đình bà Nguyễn Thị Kiều (58 tuổi) ở thôn Nam Tượng 3, xã Nhơn Tân) đang chăn nuôi gần 40 con bò, trị giá hơn 300 triệu đồng. Bà Kiều cho hay: “Tất cả số bò này tôi đều thả trong rừng để kiếm ăn. Gia đình tôi nuôi hàng chục năm nay rồi, cứ thế mỗi năm xuất bán khoảng 8 con, nhờ vào đàn bò mà có cái ăn, cái mặc và có tiền cho các con đến trường”.
Ông Trần Văn Vinh (xã Nhơn Tân) đang thăm đàn bò trong rừng. Ảnh: D.T
Theo bà Kiều, để theo dõi đàn trâu, bò sống trong rừng, nhiều hộ chăn nuôi trong xóm lập ra tổ chăm sóc thay phiên nhau giám sát. Khoảng 3-5 ngày, các thành viên trong tổ sẽ mang thức ăn, nước uống vào rừng để thăm, nếu trâu, bò bị lạc mất hoặc có dấu hiệu chán ăn, đau ốm… thì các thành viên sẽ thông báo để chủ chăn nuôi đưa về chữa trị. Sau khi khỏi bệnh, trâu bò lại tiếp tục được thả vào rừng để kiếm ăn.
“Để tránh thất lạc và bị mất trộm, tôi phải làm dấu trên thân bò trước khi thả vào rừng bằng các ký hiệu riêng như dùng thanh sắt hơ trên lửa rồi nhấn vô bắp đùi để thâm da con bò. Ngoài ra, các hộ còn dùng nhiều phương pháp khác để đánh dấu trâu bò nhà mình như hớt đuôi, xỏ lỗ tai…” - bà Kiều nói.
Bắt đầu nghề chăn bò từ lúc 15 tuổi, ông Trần Văn Vinh (SN 1960, xã Nhơn Tân) chia sẻ: “Từ 1 con, gia đình tôi tằn tiện đầu tư gây dựng nên đàn bò 18 con, tổng trị giá gần 200 triệu đồng. 2 năm nay tôi vẫn để đàn bò trong rừng mà chưa đưa chúng về nhà vì không có chuồng nhốt, trừ khi bò đến tuổi bán. Nhiều người nuôi theo phương thức này nên ít mất trộm lắm”.
“Tự chửa, tự đẻ”
"Thả gia súc trong rừng thì ít tốn công chăm sóc, ít chi phí nuôi dưỡng…, nhưng lại luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh vì khó kiểm soát. Đây là điều mà các ngành chuyên môn đang tìm cách giúp bà con khắc phục”. Bà Lê Thị Kim Mai - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định |
Theo người chăn nuôi xã Nhơn Tân, tại địa phương có hơn 50 hộ dân chăn nuôi theo phương thức thả trâu, bò vào rừng. Hộ nào ít nhất cũng có vài con, hộ nuôi nhiều lên đến vài chục con, có hộ nuôi gần trăm con.
“Nuôi trâu, bò theo phương thức này rất ít tốn công chăn dắt, chăm sóc. Nếu như nuôi nhốt chuồng, đến giai đoạn sinh sản thì người chăn nuôi phải đi tìm giống để chúng giao phối.
Còn đối với đàn trâu, bò của chúng tôi thả trong rừng với trên 2.000 con thì chúng tự lo việc tìm “đối tác” và sinh sản. Vô thăm mà thấy bò con theo mẹ là biết chúng mới đẻ, người dân ở đây hay ví von xứ này trâu, bò “tự chửa, tự đẻ” - ông Nguyễn Cảnh (SN 1960, xã Nhơn Tân) vui vẻ nói.