Từ ngày 21.1, Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc (NMC) phát đi báo động về đợt rét nghiêm trọng nhất ở quốc gia này kể từ năm 1986 đến nay. Theo tính toán, tâm của đợt không khí lạnh có thể xuống thấp tới -50 độ C. 90% lãnh thổ Trung Quốc sẽ ở mức dưới 0 độ C. Nhiều tỉnh đã yêu cầu đóng cửa trường học, cho phép học sinh, sinh viên ở nhà. Các đội cứu hộ sẵn sàng cứu trợ khi có yêu cầu.
Rét kỷ lục ở Trung Quốc trong vòng 30 năm qua. Ảnh NEWS.CN
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Anh Tuấn – Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương) cho biết: Đợt không khí lạnh ở Trung Quốc có cùng luồng với đợt không khí lạnh ở Việt Nam mà Trung tâm đang cảnh báo người dân. Không khí lạnh từ biển vào đến Trung Quốc sẽ di chuyển theo phía Nam xuống Việt Nam kết hợp với dòng xiết gió tây trên cao gây ra mưa, rét đậm, rét hại. Vùng núi cao có thể sẽ có tuyết rơi. Biển động mạnh.
“Chúng tôi xác định đây là đợt lạnh kỷ lục kể từ đầu mùa đông năm nay. Mọi diễn biến của không khí lạnh đang được theo dõi sát sao. Tuy nhiên, tuyết có rơi hay không cần phải theo dõi diễn biến tiếp theo của đợt không khí lạnh”, ông Tuấn cho hay.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, một số vùng núi cao Việt Nam tuyết cũng có thể rơi (ảnh minh họa).
Theo ông Tuấn, đợt không khí lạnh cực mạnh này bắt nguồn từ lục địa Châu Á di chuyển xuống khu vực nước ta, nơi đang có khối không khí ấm, gây ra gió Đông Bắc mạnh, trời chuyển rét đậm, rét hại.
Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, ngoài khơi vịnh Bắc Bộ gió có thể mạnh cấp 6 - 7 (đôi lúc có thể mạnh hơn) có thể đánh đắm tàu thuyền. Trên đất liền, gió cấp 4 - 5, có thể làm hư hại nhà cửa, cây cối, các công trình đang thi công trên cao...
Không khí lạnh gây ra hiện trượng sương muối, băng giá. Ở các vùng núi cao, có thể tuyết sẽ rơi khi nhiệt độ giảm xuống từ -2 đến 2 độ C hoặc thấp hơn nữa.
Để chủ động đối phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai (Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn) đã đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau lên các phương án đảm bảo an toàn cho người, cây trồng, vật nuôi.
Chủ động thông báo cho các chủ tàu thuyền trên biển nắm bắt thông tin, diễn biến của thời tiết để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn luôn sẵn sáng để ứng cứu khi có yêu cầu.
Các vùng núi cao cũng cần đề phòng tuyết rơi. Che chắn và sưởi ấm cho gia súc để tránh rét.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, chủ động nắm bắt tình hình và báo cáo kịp thời về Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.