Ông Nam chia sẻ: Các tham luận của Đoàn đại biểu các bộ, ban, ngành T.Ư tại Đại hội XII của Đảng đã được chuẩn bị công phu, có nhiều căn cứ khoa học trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ. Các tham luận này đã đem lại những thu hoạch hữu ích cho các đại biểu về các vấn đề thực tế, đặc biệt trong việc làm thế nào để các ngành, các địa phương sẵn sàng tư thế đổi mới để hội nhập.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam.
Từ kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài rất tốt của Bình Dương, ông có nghĩ nên có sự “cởi trói” để địa phương năng động hơn, tự chủ hơn trong việc hình thành các đặc khu kinh tế?
- Chúng tôi rất ủng hộ quan điểm này nhưng phải có cơ chế chặt chẽ, minh bạch chứ ở đâu cũng cần cơ chế riêng, cơ chế đặc thù thì không thể được. Trước mắt, phải ưu tiên một số vùng động lực. Không phải hạ tầng bây giờ tốt rồi thì cứ ngồi đấy hài lòng không đâu. Chỉ vài ba năm nữa là hạ tầng bây giờ sẽ không còn phù hợp với yêu cầu phát triển nữa.
“Vai trò người đứng đầu cực kỳ quan trọng. Anh phải có sự quyết đoán dựa trên cơ sở trí tuệ và khoa học chứ không phải là quyết đoán theo độc đoán, phải dựa trên lợi ích của tập thể”. |
Thế thì phải có cái gì để đầu tư hạ tầng? Đó là vấn đề kinh phí. Mà kinh phí thì không phải là vấn đề trong tầm của địa phương. Tại Đại hội lần này cũng có đại biểu đã phát biểu đó, vấn đề liên kết vùng cả về liên kết cứng và liên kết mềm để nơi này làm cái này, nơi kia làm cái kia… Liên kết hạ tầng cũng là một vấn đề. Đây không phải là kinh nghiệm của chúng ta mà nhiều nước trên thế giới đã làm rồi.
Điều này đặt ra thách thức, đòi hỏi gì đối với lãnh đạo các địa phương, thưa ông?
- Trước hết, các địa phương phải vận dụng các quy định pháp luật hiện có để cùng với tình hình thực tế của địa phương mình có những quyết sách phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và đúng pháp luật. Trong quá trình đó, chúng ta có những đề xuất để điều chỉnh pháp luật hoặc xây dựng các quy định pháp luật mới để bảo đảm sự năng động đó không bị sai luật.
Có thể chúng ta sẽ phải chấp nhận có những vấn đề sẽ phải “xé rào”, nhưng sự chấp nhận này phải được đánh giá một cách khách quan, công minh thì các địa phương mới có thể mạnh dạn được. Đổi mới năm 1986 cũng bắt nguồn từ việc “xé rào” của một số địa phương và đến Đại hội này, nhiều người cũng đang đặt vấn đề về đổi mới lần thứ hai.
Đối với địa phương, T.Ư nên có những giới hạn nhất định để địa phương được chủ động. Các thế hệ lãnh đạo Bình Dương trước đây cũng rất quyết liệt và có những tư duy “xé rào”. Phải khẳng định như vậy, không có “xé rào” thì không có Bình Dương như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, sau này, khi các cơ quan T.Ư về làm việc, chúng tôi cũng trình bày, thẩm định và kiểm tra lại thì những “xé rào” đó là hợp lý, không mang yếu tố cá nhân, riêng tư trong đó. Như thế để thấy rằng, khi chưa có cơ chế chính sách “bật đèn xanh” thì nói thật việc “xé rào” là rất mạo hiểm.
Theo ông, điều gì vẫn đang là vật cản, hạn chế đối với sự phát triển của các địa phương?
- Đó chính là bộ máy hiện nay cồng kềnh quá, nhiều tầng nấc quá nên khi một chủ trương đầu tư đưa ra làm theo đúng trình tự, thủ tục là rất lâu. Phá bỏ rào cản đó thì có những đề xuất gì? Quá trình làm, chúng tôi tận dụng tối đa, cố gắng để không vi phạm luật, có những việc phải cố gắng làm song song
Bộ máy phải linh hoạt, thông cảm với nhau, ngồi lại với nhau để xử lý và lãnh đạo phải quyết. Việc đó không đơn giản. Ví dụ một dự án đầu tư chưa được Sở Xây dựng thẩm định thì anh có dám ký không? Nếu ký có chuyện gì? Nhưng khi mình đã nghiên cứu xong, mình tin là mình ký…
Bình thường thì không sao nhưng nếu xảy ra chuyện gì thì anh ký anh chết trước. Vai trò người đứng đầu cực kỳ quan trọng. Anh phải có sự quyết đoán dựa trên cơ sở trí tuệ và khoa học chứ không phải là quyết đoán theo độc đoán, phải dựa trên lợi ích của tập thể.
Xin cảm ơn ông!