Dân Việt

Mỏng manh như mạng sống treo... đầu đá

Phóng sự của Hồng Đức 25/01/2016 09:57 GMT+7
Chỉ còn gần hai tuần nữa là tết. Bỗng dưng, tai họa ập đến, khiến cho cả xã nghèo Thiết Ống, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) chìm trong nỗi buồn đau. Một sự mất mát quá lớn, làm cho nhiều gia đình nông dân nghèo nơi đây cứ ngỡ là cơn “ác mộng”.

Họa vô đơn chí

Thường như mọi ngày, buổi sáng hôm 22.1 vừa rồi, người dân làng Cú, làng Trệnh, làng Hang… xã Thiết Ống vẫn bắt đầu công việc của mình như bao ngày khác. Người dân vùng núi nghèo, mà yên ả ấy vẫn ra đồng, lên đồi, làm nương… Bỗng nhiên, gần hết buổi sáng, người ta nghe tin như “sét đánh” bên tai, rằng, “những người con của làng, của xã đi làm đá thuê ở huyện Yên Định gặp nạn vì sập mỏ, khiến nhiều người chết lắm”.

img

Hiện trường vụ sập mỏ đá ở xã Yên Lâm (huyện Yên Định, Thanh Hóa). Ảnh: H.Đ

Thông tin từ hiện trường được báo về cho chính quyền địa phương, cho người thân các nạn nhân nhanh chóng loang khắp xã. Vị trưởng làng Cú hớt hải chạy đi báo cho tất thảy những gia đình có con, em đang đi làm đá thuê. Hay tin, ai nấy bỏ hết công việc nhà cửa, ruộng đồng, nương rẫy chạy đi nghe ngóng, hỏi han tình tình. Những người có điều kiện thì hộc tốc thuê xe chạy xuống hiện trường tìm người thân của mình. Thế nhưng, tất cả 8 người gặp nạn trong mỏ đá ấy đã không còn một ai có thể sống sót. Riêng ở xã Thiết Ống, có tới 6 người tử nạn. Và, chỉ xung quanh một xóm nhỏ  làng Cú thôi, đã có tới 3 người nằm xuống. Đau đớn hơn, họ đều là anh em họ hàng, thân tộc.

imgVợ nạn nhân Trương Văn Danh dường như không gượng nổi vì sự mất mát, đau thương. Ảnh: H.Đ

imgĐám tang đẫm nước mắt của nạn nhân Đinh Văn Hoàng, ở làng Cú, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Ảnh: H.Đ

Dẫn chúng tôi đến chia sẻ nỗi đau thương mất mát với các gia đình nạn nhân, ông Phạm Ngọc Tưởng - Trưởng làng Cú, tâm sự: Đây là lần đầu tiên trong làng, trong xã có tới 6 người chết cùng 1 ngày vì tai nạn mỏ đá. Ông bảo: “Các cháu Danh, Hoàng, Trường đều là những trụ cột gia đình cả đấy. Không những thế, 3 đứa chúng nó đều là anh em họ hàng nội, ngoại tộc. Anh em chúng nó rủ nhau đi làm đá để kiếm tiền gửi về cho vợ ở nhà nuôi con ăn học. Hoàn cảnh của mỗi đứa đều có nỗi khổ riêng. Vợ chồng cháu Danh đã có 2 đứa con, nhưng chị em chúng đều đang đi học mẫu giáo. Vợ nó ở nhà cũng chỉ làm nông nghiệp thôi, nên không kiếm ra tiền. Vì vậy, nhà nó đang thuộc diện hộ cận nghèo… Đúng là họa vô đơn chí ập đến cái làng này các chú ạ!”- nói xong mắt ông Tưởng ngấn lệ.

Ngồi bên cạnh ông Tưởng, bà Hà Thị Dung (47 tuổi) là thím của nạn nhân Đinh Văn Hoàng, tiếp lời: “Con bé Tứ là vợ thằng Hoàng, khi nghe tin chồng gặp nạn, nó ngất lịm đi. Khổ thân vợ chồng chúng nó lắm. Cưới nhau hơn 10 năm rồi nhưng chưa có con, nên hai đứa làm được bao nhiêu tiền cũng để dành vào việc chữa bệnh. Nhà cửa không dám xây, đồ đạc cũng chẳng mua sắm gì.  Vì thế, khi cháu Hoàng nằm xuống, mọi người phải đưa thi thể nó vào nhà bố mẹ đẻ để làm ma chay. Ngày trước, tôi nghe nói, chúng nó đi làm đá thuê, mỗi ngày được ông chủ trả lương từ 180 - 200.000 đồng. Mà hình như chúng nó đi làm như vậy nhưng không được công ty ký hợp đồng và đóng bảo hiểm cho hay sao ấy?”- bà Dung vừa nói vừa khóc.

Những xác thân lấp vùi trong đá

Chiều 23.1, giữa cái giá rét như cắt da, cắt thịt ở khu vực làng Cú, đâu đâu cũng thấy một màu khăn tang trắng xóa. Những ánh mắt ngơ ngác của hai đứa trẻ là con của nạn nhân Trương Văn Danh khi thấy nhà mình có nhiều người, lẫn tiếng khóc than. Bố đẻ nạn nhân Danh - ông Trần Văn Tính, với khuôn mặt già nua, thất thần chỉ vào hai đứa cháu, bảo rằng: “Con bé Lam và thằng cu Lâm cách nhau chỉ hai tuổi. Năm nay, chị em chúng đang học mẫu giáo. Mẹ chúng nó ngất đi ngất lại từ khi nhận được tin thằng Danh mất mạng. Rồi không biết 3 mẹ con nó sẽ sống ra sao nữa”.

"Sau khi sự tai nạn xảy ra, chính quyền địa phương và các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ ban đầu cho mỗi gia đình nạn nhân hơn 27 triệu đồng”-
 Ông Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Định

Theo lời của người cha già ấy, thì vợ chồng Danh hiện nay đang thuộc diện hộ cận nghèo. Cũng vì túng thiếu, nên khi nghe anh em họ hàng thân tộc rủ xuống xã Yên Lâm làm đá thuê, Danh đã đi theo. “Mỗi tháng, tôi nghe nói nó gửi về cho vợ con được vài triệu bạc để chi tiêu và lo cho hai đứa ăn học. Nó mới đi làm đá thuê chừng hơn năm nay thôi, nên cũng chẳng tích cóp được gì. Cách đây hai tháng, nó về nhà còn nói rằng, nhà mình nghèo nên cố gắng làm kiếm tiền nuôi con ăn học cho bằng người bằng ta, rồi sửa sang lại ngôi nhà tranh đã xuống cấp để đón tết. Đùng cái, mỏ đá sập. Con tôi bị chết lấp vùi trong đá. Đau xót lắm, không thể nói hết được các chú à!”- ông Tính nói trong tiếng nấc nghẹn.

Từ khi người ta đưa thi thể của chồng về nhà lo hậu sự,  chị Túc ngất đi tỉnh lại không biết bao nhiêu lần. Anh em, người thân phải túc trực bên chị trong một căn buồng riêng lẻ. Đến khi quan tài của anh Danh được đưa đi rồi, chị Túc mới hồi tỉnh lại.   Được mọi người dìu ra trước bàn vong của chồng, nhìn thấy di ảnh chồng, dường như người góa phụ ấy không gắng gượng nổi. Thấy mẹ gào khóc, hai đứa con của chị chạy vào ngơ ngác, rồi chúng đòi điện thoại của mẹ để gọi cho bố. Chứng kiến cảnh đau thương ấy, không một ai cầm nổi nước mắt.

 Là một trong những người may mắn thoát chết, anh Trương Văn Long (chú họ của anh Danh), kể lại: Anh là công nhân lái xe tải chở đá cho doanh nghiệp Tuấn Hùng. Hôm xảy ra tai nạn, do chiếc xe bị hỏng, nên anh không đi làm, mà vào khu vực mỏ để xem anh em và các cháu của mình làm việc. “Lúc đó, khoảng hơn 10 giờ. Tôi đang đứng ở phía bên trong mỏ đá, thì nghe một tiếng “ầm”. Sau tích tắc, bụi bay mịt mù, tôi không thể nhìn thấy gì nữa. Cứ tưởng mình bị mắc kẹt bên trong, nên tôi vô cùng sợ hãi. Chờ một lúc sau, khi lớp bụi tan dần, tôi mới lóp ngóp bò ra. Khi ra tới nơi, không biết bao nhiêu khối đá đã ập xuống. Tôi thấy nhiều người bị đá đè lên, nằm sõng soài, chân tay run lên bần bật vì sợ. Khi nghe tiếng la ó của mọi người bên ngoài, tôi mới biết mình còn sống, nên cũng gào lên… Đến bây giờ, nghĩ lại cảnh tượng kinh hoàng ấy, tôi vẫn còn thấy hoang mang và run sợ” - anh Long nhớ lại. Khi được hỏi mọi người làm việc  ở mỏ đá này có được công ty ký hợp đồng hay đóng bảo hiểm không? Anh Long bảo rằng: “Tôi mới được công ty nhận vào làm hơn một năm, nên chưa có hợp đồng và cũng chẳng có bảo hiểm. Còn những người khác thế nào, tôi không biết được” (?!).

Rời Thiết Ống trong buổi chiều u buồn và giá buốt, tôi nhớ đến những ánh mắt ngơ ngác của những đứa trẻ khi thấy nhiều người đội khăn tang đưa tiễn bố của chúng. Những đám tang vội vã đưa tiễn các nạn nhân về với đất mẹ trong ngày áp tết… Tôi thầm nghĩ, ở đâu đó, sẽ còn bao nhiêu mạng sống đang treo đầu đá nữa? Nhỡ không may, trên địa bàn huyện Yên Định, hay một nơi khác lại tiếp tục như…. Bỗng chợt, tôi rùng mình. 

Danh tính những nạn nhân vụ sập mỏ đá

Trương Văn Danh (SN 1983), Lê Văn Quảng (SN 1981), Phạm Văn Trường (SN 1988) và Hà Văn Đức (SN 1979), Đinh Văn Hoàng (SN 1982), Phạm Văn Phi (SN 1993) đều trú tại xã Thiết Ống (Bá Thước); Trần Như Dũng (SN 1961), trú tại huyện Đông Sơn và Trần Văn Năm (SN 1963) ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa).