Dân Việt

Trong 3 tháng, Trung tâm hỗ trợ người nghèo phải trả hết tiền

Lê Chiên 25/01/2016 19:30 GMT+7
Sau khi có thông tin giải thể Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong xây dựng NTM, Dân Việt nhận được một số ý kiến của người dân lo lắng về việc không thể đòi lại được khoản tiền đã nộp. Dân Việt đã trao đổi với luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Công ty Luật Đức An, Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Luật sư Hảo cho biết: Điều 98 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Trước khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài sản”. Theo quy định này, trước khi giải thể, Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong xây dựng NTM (sau đây gọi là Trung tâm) phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đã cam kết với những người đã tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam”.

img

Người dân ở Hải Dương trao đổi với PV Dân Việt về quá trình nộp tiền tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam”. 

Trả lời câu hỏi, nếu Trung tâm này chây ì, không thực hiện nghĩa vụ thì người dân phải làm thế nào, Luật sư Hảo tư vấn: Người dân đã tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam” và nộp tiền cho Trung tâm có quyền yêu cầu Trung tâm thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đã cam kết. Việc này trước hết dựa trên sự thương lượng, thỏa thuận giữa các bên. Nếu các bên không thể tự thương lượng, thỏa thuận được cách thức giải quyết vụ việc thì người dân có quyền khởi kiện Trung tâm tại Tòa án, đề nghị Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định của pháp luật.

"Trong trường hợp, vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, thì người dân có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành điều tra, xác minh, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, giải quyết vụ việc, cũng như đảm bảo quyền lợi cho họ theo quy định của pháp luật", luật sư Hảo nhấn mạnh.

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, thời gian vừa qua, dưới danh nghĩa kêu gọi tiền từ thiện cho Chương trình "Trái tim Việt Nam", Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới đã huy động tiền của bà con nông dân ở nhiều tỉnh thành với phương thức đa cấp.  Và, chỉ trong vòng 5 tháng, Trung tâm này đã thu được tiền của khoảng 40.000 nông dân nghèo tại các tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Khánh Hòa... với số tiền lên đến trên dưới 100 tỷ đồng.

Trước phản ứng mạnh mẽ của công luận, nhận thấy hoạt động bất thường của Trung tâm, đầu tháng 1 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam, cơ quan chủ quản của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới tiến hành các thủ tục giải thể Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới do hoạt động trái pháp luật đồng thời xây dựng phương án xử lý về tài sản, tài chính và nhân sự của Trung tâm.

Trong Quyết định giải thể Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới của cầu Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam cũng nêu rõ, trong thời gian 3 tháng kể từ ngày Quyết định có hiệu lực, Trung tâm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính với Nhà nước, tổ chức cá nhân có liên quan.

Được biết, đã có rất nhiều nông dân tại các địa phương cầm cố nhà cửa, vay nặng lãi để tham gia chương trình này.

Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật thông tin xử lý vụ việc đến bạn đọc.