Vào dịp Tết Nguyên đán, người dân Việt Nam thường có câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” hay “3 ngày Tết, 7 ngày Xuân”,… Để hiểu rõ nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Nguyên đán và những câu nói trên, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với nhà nghiên cứu về văn hoá Nguyễn Anh Tuấn- Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ tinh thần Việt Idea.
Con cháu gửi và nhận lời chúc Tết từ ông bà, cha mẹ đã trở thành văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Tết Nguyên đán đã trở thành một nếp văn hoá. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ nguồn gốc của Tết Nguyên đán cũng như sự kiện này có từ khi nào, tại những quốc gia nào. Xin ông giải thích rõ hơn?
Nguyên nghĩa của “tết” chính là “tiết”. Văn hóa Việt thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (ứng với mỗi tiết này có một thời khắc gọi là “giao thời”). Trong đó, tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng - tức Tiết Nguyên đán, sau này được biết đến là Tết Nguyên đán.
“Nguyên” có nghĩa là khởi đầu, còn “đán” có nghĩa là trọn vẹn. “Nguyên Đán” có nghĩa là sự khởi đầu trọn vẹn. Tết Nguyên đán hay Tết cổ truyền của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tết Nguyên đán cũng là ngày lễ lớn nhất trong năm của nhiều nước châu Á khác, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Singapore, Mông Cổ.
Vào dịp Tết Nguyên đán, mọi người hay nhắc tới câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Ý nghĩa của câu nói này là như thế nào?
Dịp Tết là thời gian để mọi người cùng ôn lại chuyện xưa và cầu chúc cho nhau thêm một năm mới bình an và hạnh phúc. Câu nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” chính là “lịch trình” để mọi người đi lại, thăm hỏi nhau trong 3 ngày tết.
Ngày mùng 1 thiêng liêng nhất nên ai cũng về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng. Theo thông lệ, người con cả, người anh cả, người cháu đích tôn vào trước, sau đó đến hàng em út vào sau, lần lượt nói lời chúc tụng ông bà, cha, mẹ sức khoẻ và những điều tốt lành. Ông bà cha mẹ bên nội chúc tết con cháu kèm theo những đồng tiền mới bọc trong giấy hồng điều gọi là cho lộc con cháu để con cháu lấy may.
Sang đến ngày mùng 2, cả gia đình sẽ sang nhà bên ngoại, nghi thức cũng tương tự như bên nội. Cuối cùng, ngày mùng 3 là tết Thầy. Người thầy có một vị trí cao trong quan niệm của dân gian. Điều đó cho thấy đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc ta là rất tốt đẹp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu về văn hoá.
Ngoài ra, người Việt Nam còn có câu “3 ngày Tết, 7 ngày Xuân”. Vậy chữ “Tết” và “Xuân” ở đây có gì khác nhau?
7 ngày đầu năm quan trọng vì theo tục là có cả một tuần vui xuân. 7 ngày này được tính theo cả một tuần hay 1/4 con trăng. 3 ngày tân niên thường kéo dài từ ngày mồng 1 đến mồng 3. Đó là ba ngày Tết đúng nghĩa để cúng kiến, lễ lộc,… Những ngày Tết thường ngắn hơn những ngày xuân do quan niệm ban đầu về tết là ba ngày xuân đầu năm.
Năm nay là năm Bính Thân hay nói dân dã là “năm của những người tuổi khỉ”. Vậy theo tín ngưỡng dân gian, năm Bính Thân có gì đặc biệt, thưa ông?
Mỗi năm đều có những đặc biệt riêng, theo tín ngưỡng dân gian, năm Bính Thân xếp thứ 9 trong bảng thứ tự 12 con giáp. Khỉ là động vật cực kỳ thông minh, nhanh nhẹn, có tên chính thức trang nghiêm là Hầu Vương. Khỉ chính là tượng trưng cho sự tốt lành, may mắn. Hình ảnh của khỉ thường được điêu khắc hoặc dán trên các bức tường và cửa ra vào với mục đích kêu gọi phước lành và niềm vui.
Xin cảm ơn ông! Chúc ông và gia đình có một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.