Không ăn là... giận!
Nhắc đến Tết, người ta thường nghĩ ngay đến mâm cao cỗ đầy. Có lẽ cũng vì thế mà từ xa xưa dân gian quen gọi là "ăn Tết" thay vì "chơi Tết" hay gì khác. Ngoài mâm cỗ, từ "ăn Tết" gói ghém thêm cả những niềm háo hức của trẻ con, mong ngóng của người lớn khi chuẩn bị những món ăn truyền thống, khi quây quần bên cỗ bài tam cúc hoặc ngủ gật trong lúc chờ bánh chưng sôi...
Những niềm vui giản dị ấy đã làm nên bao cái Tết đầm ấm, hạnh phúc từ thời "đói quanh năm, no ba ngày Tết".Truyền thống của người Việt từ xưa thể hiện qua mâm cỗ ngày Tết là ước mong sự no ấm, thịnh vượng của mỗi gia đình, mọi người, mọi nhà ăn uống không chỉ để no bụng mà trên hết để hiểu được nhiều giá trị cuộc sống.
Chén rượu đầu xuân nhiều khi mang đến những hệ lụy
Ấy thế nhưng trong đời sống hiện đại, mâm cao cỗ đầy nhiều khi chẳng khiến con người gần nhau hơn. Vì sao vậy? Là bởi điều kiện sống bây giờ khác. Ngày nào cũng ăn uống đầy đủ, không phải đợi Tết đến mới được ăn ngon và lý do quan trọng hơn nữa là cả năm quần quật làm lụng với "trăm mối tơ vò" về ngoại giao, công việc, sức khỏe, sức ép đời sống... Tết lại nai lưng ra lo cỗ bàn thì oải lắm, nghỉ ngơi chẳng phải sướng hơn sao? Không hẳn ai cũng nghĩ thế nhưng đó vẫn là mối băn khoăn của nhiều người.
Một điều không thể phủ nhận đó là không khí Tết bây giờ rõ ràng đã khác xưa. Khác từ trong bếp khác ra. Khác từ lòng người khác lại. Hiếm ai còn cảm giác trông đứng trông ngồi cho con gà cúng khỏi rạn da, dặn nhau nhớ ra vườn lúc tinh sương cắt hoa vào bày lễ hay lắng nghe âm thanh thậm thịch giã giò đếm ngược từng canh đợi Tết.
Một bà nội trợ sống giữa Hà Nội kể cho chúng tôi nghe, ở quê chị, cứ đến ngày "giã giò" là bố mẹ "triệu tập" con cái về để làm cho đủ 4 loại giò theo truyền thống là giò nạc, giò xào, giò mỡ, giò lòng và bày cỗ từ ngày ấy (khoảng 22 tháng Chạp âm lịch) cho đến Tết.
Đương nhiên, để biểu trưng cho sự đủ đầy, miếng giò ắt phải dày đến vài đốt tay và con cháu cứ việc ăn cho kì hết. Đừng ai dại dột hỏi "ăn gì mà ăn lắm thế" hay "bày gì mà nhiêu khê thế" bởi đó sẽ bị mặc định là một sự "xúc phạm" đến bản sắc vùng miền.
Tuy nhiên, phía sau bản sắc này còn chứa đựng khá nhiều rắc rối khi con cái, cháu chắt có lỡ trái ý các cụ không thu xếp về đúng ngày "giã giò", thể nào cũng gay to! Dù sao, đó vẫn chỉ là một trong hàng trăm ví dụ về chuyện Tết đến không có mặt, không ăn là giận!
Nhiều nơi, ngày Tết vẫn giữ tập tục dọn cỗ chờ khách, khách đến là ngả mâm ra, mời mọc, chúc rượu. Đương nhiên chẳng ai quan trọng ăn uống mà mời nhau chén rượu xuân thể hiện tình cảm, sự gắn bó nhưng cũng vì quan trọng hóa tập tục này mà nhiều người ngậm ngùi khi bị buộc phải ăn, buộc phải uống, ngày cả chục lượt vì "sợ giận".
Và phía sau mâm cỗ giao đãi ấy, ngoài niềm vui, ngoài truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa còn chứa đựng cả những nỗi mệt mỏi, cả nể, đãi bôi xuất phát từ bao đổi thay, áp lực của đời sống hiện đại.
Nhập viện vì ăn
Vào mỗi dịp Tết, một trong những nỗi lo lắng của các gia đình Việt đó là chuẩn bị mâm cỗ sao cho thật tươm tất, thịnh soạn. Tuy nhiên, đôi khi vì lo quá mà hóa ra lại… thiếu. Thiếu ở đây chính là việc ăn uống khoa học, không sa đà vào rượu chè, bia bọt...
Theo thống kê, trong Tết cổ truyền, đa phần người Việt ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ dầu mỡ, uống quá nhiều bia rượu và một trong những hậu quả đó là nhập viện vì rối loạn tiêu hóa, tai nạn giao thông trong những ngày đầu năm mới.
Một người mẹ ôm con chờ khám tại bệnh viện dịp Tết
Ai bất đắc dĩ phải vào bệnh viện dịp Tết sẽ không khó để bắt gặp cảnh cha mẹ vạ vật ôm con cấp cứu vì rối loạn tiêu hóa, đón giao thừa trong viện hoặc cảnh sứt đầu mẻ trán vì đụng độ, tai nạn trong hơi men... và người người vẫn thở dài tỏ ra "thông cảm" cho nhau: Ngày Tết ấy mà!
Nói là nói vậy nhưng giờ bảo không bày biện mâm cao cỗ đầy, không "chén chú, chén anh" e rằng... không ra ngày Tết! nên cuối cùng vẫn là ý thức của người. Mà ý thức này đa phần không thoát khỏi quan niệm, phong tục mà đám đông sáng tạo ra từ truyền thống vốn mộc mạc, đề cao giá trị tinh thần của dân tộc.
Tết đến xuân về dường như là thời điểm người ta luôn thường trực những lý do để ăn uống, say sưa mà không ai quở trách. Lâu nay, chỉ thấy ai từ chối ăn uống, chúc tụng bị quy là "khinh người", không biết lễ nghĩa, trước sau chứ mấy ai dừng đúc lúc được khen là tỉnh táo, khôn ngoan là tấm gương cần học tập!
Nhiều người từng đưa ra dẫn chứng, không chỉ dịp lễ Tết mà ngay đời sống thường nhật, ở nước ngoài ăn uống khác mình lắm. Trên bàn tiệc, mỗi người được tự do lựa chọn thứ đồ mình thích và có quyền từ chối, gọi thêm đồ khác phù hợp mà khỏi lo bị ai khích bác, chuốc say. Nhưng tập tục, thói quen là thứ khó thay đổi bởi lối suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức: "Say sưa nghĩ cũng hư đời/ Hư thời hư vậy, say thời cứ say".
Đã có một nhà văn gọi mùa xuân xứ mình bằng danh từ khá hoa mỹ: Mùa xuân nghiêng! Nhưng từ ngữ đầy ẩn ý ấy chứa đựng bao gánh nặng, mệt mỏi trong cơn ăn uống say sưa được nối dài bất tận.
Rõ ràng, truyền thống dân tộc vốn chẳng sinh ra mâm cỗ Tết để bất cứ ai phải kêu khổ vì ăn song sự cổ hủ, lệch chuẩn về văn hóa đã mang đến nhiều hệ lụy! Đối nghịch với hình ảnh ăm ắp, tràn trề cỗ bàn ngày Tết lắm khi là sự cạn kiệt, vô cảm về cảm xúc con người.