Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, lãi suất vay vốn ngân hàng của DN làm hàng xuất khẩu hiện vẫn phổ biến ở mức 19%/năm, có địa phương lên đến 24%/năm, nên nhiều DN không thể cầm cự nổi. Họ rất đang rất khó vay vốn để sản xuất, xuất khẩu.
Chia sẻ về điều này, ông Lê Tiến Trường- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) cũng nêu thực tế: 6 tháng cuối năm 2011, DN ngành may sẽ khó khăn hơn nhiều bởi đã qua 6 tháng đầu năm chịu đựng lãi suất ngân hàng cao, giờ nội lực đã giảm rất nhiều so với đầu năm.
Ông Trường cho hay, việc thu xếp vốn hiện tại khó khăn dẫn đến nhiều dự án dệt may chậm trễ. Về lâu dài, sự chậm trễ này gây khó khăn cho đầu tư để tăng trưởng dệt may trong giai đoạn tới, đặc biệt là ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hoá của ngành dệt may lên mức 60% vào năm 2015.
"Hiện chỉ có dự án sợi và may được tiếp tục ưu tiên vốn do lợi nhuận tốt hơn. Các kế hoạch phát triển cây nguyên liệu, vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm vải đều gặp khó khăn. Tăng trưởng của ngành dệt may từ đầu năm đến nay chủ yếu dựa trên tăng năng suất lao động và kết cấu hàng hoá xuất khẩu"- ông Trường nói.
Theo bà Lê Ngọc Đào- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, lãi suất cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Nếu không có giải pháp tháo gỡ thì nhiều DN sẽ không đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu 6 tháng cuối năm nay.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc cho biết, từ nay đến cuối năm 2011, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Biện pháp điều hành này là cần thiết trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao và cần kiềm chế biên độ tăng ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu bộc lộ, làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Tiền Giang, các ngân hàng cần hạ lãi suất cho vay ở mức hợp lý hơn với từng đối tượng DN: "Nên xem xét ưu tiên vốn cho các DN sản xuất nông nghiệp hoặc DN xuất khẩu". TS Cao Sĩ Kiêm- nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN cũng cho rằng, đã thắt chặt tiền tệ thì rất khó để DN không gặp khăn trong sản xuất.
Nhưng theo ông Kiêm, có 2 biện pháp có thể giải quyết vấn đề này. Một là các ngân hàng chọn một số đối tượng DN quan trọng để cho vay. Các DN sử dụng nhiều lao động, tạo ra nhiều việc làm và sức mua... thì được ưu tiên vay vốn. Hai là giảm thuế cho DN.
Theo ông Kiêm, Chính phủ đã đồng tình với các phương án này và dự kiến trình Quốc hội trong tháng 7 tới để được thông qua, nhằm tạo điều kiện cho DN hoạt động tốt hơn.
Mai Hương