Trong khi Việt Nam đang ráo riết giảm lệ thuộc vào Trung Quốc thì hàng Thái, Nhật, Hàn... thậm chí Campuchia lại đang bành trướng tại thị trường tiêu dùng Việt.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã có những chia sẻ với PV về vấn đề này. Theo ông, hàng Việt Nam đang thua và mất dần thị phần bởi hàng hóa ngoại không chỉ thâm nhập hệ thống phân phối mà cả về sản xuất.
Ông đánh giá như thế nào về vị thế của hàng trong nước so với các sản phẩm nước ngoài như Trung Quốc, Thái, Nhật, Hàn... tại thị trường Việt Nam hiện nay?
- Việt Nam đang cố gắng giảm lệ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc nhưng lại bị cạnh tranh rất mạnh bởi hàng Thái. Hai nhóm hàng của hai nước này đang cạnh tranh rất mạnh với hàng Việt.
Thứ nhất là hàng Trung Quốc. Sản phẩm của nước này rẻ, phù hợp với người nghèo ở Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng rất kém nên sức cạnh tranh cũng giảm đi đáng kể.
Hiện tại, hàng Trung Quốc chỉ có 2 nhóm may mặc và đồ chơi là mạnh. Còn các nhóm khác thì đã bị hàng Việt đánh bật. Ví dụ như phích nước Trung Quốc không bao giờ có thể đấu với phích nước Rạng Đông hay bia Vạn Lực không thể đấu được với bia Hà Nội.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội. Ảnh: Mạnh Thắng.
Thứ hai là hàng Thái Lan. Mặt hàng này đã thâm nhập vào Việt Nam hàng chục năm nay thông qua nhiều con đường như du lịch, hội chợ... Hiện tại, nhiều con phố ở Việt Nam xuất hiện liền 4-5 cửa hàng chuyên bán đồ Thái.
Đặc điểm của hàng Thái là đắt chứ không rẻ. Mức giá cao hơn khoảng 5-10% so với hàng Việt nhưng chất lượng lại tốt hơn rất nhiều. Do đó, hàng từ nước này chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Việt.
Có thể nói, hiện tại, mỗi gia đình Việt Nam đều có một mặt hàng Thái trở lên. Không là bàn chải thì nước gội đầu, không đôi dép thì phụ tùng xe máy.... Tất cả những mặt hàng này đã thâm nhập vào Việt Nam rất lâu, không chỉ là hệ thống phân phối mà cả về sản xuất nữa.
"Một quả quả xoài ở bên Úc là 432.000 đồng. Cá ngừ 2,7 tạ ở Nhật đấu giá là 2,1 tỷ. 2 lát thịt cá ngừ chưa đến nửa lạng của nước ngoài đựng trong hộp bán ở siêu thị Việt có giá lên tới 41.000 đồng. Trời ơi"!
Trong khi đó, hàng Việt chưa vươn lên được cả về giá cũng như mẫu mã, tiếp thị, hệ thống phân phối, nhất là thị trường nông thôn. Có thể nói, đây là nguy cơ khiến cho lượng hàng Thái thâm nhập đạt cực lớn và đã đến ngưỡng.
Bức tranh cạnh tranh ở Việt Nam đang hết sức quyết liệt. Mà rồi đây, không chỉ hàng Thái, Trung Quốc mà còn là hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.... Nếu chúng ta không cố gắng lên, thì chắc chắn Việt Nam có nguy cơ mất thị phần.
Người Việt sẽ đi làm thuê cho nước bạn?
Trước đây, hàng Thái vào Việt Nam qua đón đầu mở cửa bằng các cửa hàng tiện lợi, do người Việt làm chủ. Thế nhưng gần đây, Thái Lan tấn công cả vào trung tâm thương mại và trở thành ông chủ. Ông đánh giá như thế nào?
- Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, hàng Thái đã bao phủ thị trường sau khi đại gia bán lẻ BJC mua lại Metro Cash & Carry. Tiếp đến, đại gia Central Group ngoài việc mở hai trung tâm mua sắm Robins đã mua thêm 49% cổ phần của Công ty Thương mại Nguyễn Kim và sở hữu hàng loạt cửa hàng tiện lợi B’smart.
Tới đây, nhiều khả năng Big C sẽ về tay người Thái. Hàng loạt những dấu hiệu cho thấy hàng Thái đang chiếm thị phần ngay trên sân nhà Việt Nam. Nếu như hàng Việt không thay đổi, phát triển thì chúng ta sẽ thua.
Rõ ràng họ thâm nhập rất mạnh mẽ vào hệ thống phân phối. Mà trong thương mại bán lẻ, ai nắm được hệ thống phân phối thì người đó sẽ thắng.
Việt Nam phải làm gì để giảm phụ thuộc Trung Quốc và cạnh tranh với Thái Lan?
- Đến thời điểm này, chúng ta phải cạnh tranh ở ngay thị trường nội địa chứ đừng quá tham xuất ra bên ngoài. Chúng ta phải lấy đích là 5-10 năm nữa sẽ bằng hàng Thái.
Cơ hội nằm trong tay chính chúng ta. Việt Nam phải đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị cũng như nhân lực, nguyên liệu, đẩy cao năng suất. Đặc biệt, phải làm sao cho mối quan hệ giữa phân phối và sản xuất phải hài hòa, sẽ bớt những khâu trung gian, giảm giá thành. Trong khi đó, hiện tại, Thái Lan không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn kết hợp rất tốt khâu phân phối.
Nhiều đơn vị bán lẻ ở Việt Nam chiết khấu rất cao khiến nhiều nhà cung ứng phải bỏ sớm. Do đó, nhiều nhà sản xuất phải lập chuỗi phân phối riêng, không gửi vào siêu thị nữa. Nếu câu chuyện 1 quả trứng Việt phải gánh 14 loại phí cứ tiếp diễn thì chúng ta chết chắc!
Thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng nên lập Hiệp hội các nhà cung ứng hàng hóa để liên kết lại hệ thống bán lẻ.
Đâu là mặt hàng thế mạnh cũng như thế yếu của Việt Nam khi cạnh tranh với các sản phẩm ngoại?
- Hàng nông sản của Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng ngoại song sản phẩm chăn nuôi và hàng tiêu dùng tương lai sẽ rất khó khăn.
Trung bình cứ 2 người Mỹ có thể nuôi cùng lúc được 5.000 con lợn. Trong khi, 200 người Việt Nam mới nuôi được 10.000 con. Từ đây có thể thấy, năng suất lao động của Việt Nam là rất thấp. Bên cạnh đó, giá thịt của các nước châu Âu vào thị trường Việt chất lượng tốt nhưng giá thành lại rất cạnh tranh.
Kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp là thế rất mạnh của Việt Nam nhưng chúng ta chưa được đầu tư. 15 ngày ra khơi, ngư dân của chúng ta thu về được hơn 1 tấn cá. Điều này chứng tỏ tài nguyên biển Việt Nam rất phong phú.
Tôi sang siêu thị Aeon Mall, tất cả nguyên liệu đều là của Việt Nam. Nhưng khi qua tay các đầu bếp người Nhật, Hàn, lập tức giá trị gia tăng gấp 3-4 lần. Nhưng chúng ta không làm.
Một quả quả xoài ở bên Úc là 432.000 đồng. Cá ngừ 2,7 tạ ở Nhật đấu giá là 2,1 tỷ. 2 lát thịt cá ngừ chưa đến nửa lạng của nước ngoài đựng trong hộp bán ở siêu thị Việt có giá lên tới 41.000 đồng. Trời ơi!
Tại sao chúng ta không làm trong khi giá cá ngừ loại 3 ở Việt Nam chỉ là 60.000 đồng/kg? Chúng ta không tạo ra giá trị gia tăng mà chúng ta làm ở dạng thô quá! Chúng ta có rất nhiều tiềm năng nhưng không biết nắm lấy.
Việt Nam nên đầu tư vào các ngành, mặt hàng thế mạnh, đừng chạy đua với thế giới như ôtô, đóng tàu. Chúng ta làm sao có thể chạy theo được Toyota của Nhật Bản khi 3 tháng họ lại thay đổi mẫu một lần. Máy móc của họ đã khấu hao rất lâu rồi, không chui vào giá thành nữa. Nếu mình làm máy đầu thì phải khấu hao toàn bộ, giá sẽ cao ngất, chất lượng lại không đảm bảo thì chắc chắn sẽ thất bại.
Có ý kiến cho rằng, trong công cuộc hội nhập, Việt Nam hòa nhập nhưng dường như đang hòa tan, quan điểm của ông như thế nào?
- Theo tôi, Việt Nam đang hòa nhập nhưng chưa hòa tan. Hiện tại mới chỉ là bước khó khăn. Chúng ta buộc phải vươn lên bằng nội lực chính mình qua đó, đổi mới nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực, chống lại lãng phí, tham nhũng làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Hiện tại, chi phí kho vận của Việt Nam cao gấp 1,5 lần các khu vực. Phí thuế cũng cao gấp 4 lần Singapore. Nếu cứ như vậy, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà chứng đừng nói đến chuyện xuất khẩu.
Hiện nay, một số hàng Việt có tên tuổi như Việt Tiến, May 10, khi vào trong kho sản xuất đã mang mác của Đức, Italy… Việc này quá nguy hiểm bởi Việt Nam không có khả năng để đưa hàng của ta ra nước ngoài. Nguyên nhân là hàng Việt không đầu tư xây dựng thương hiệu.
Vậy theo ông, đâu là giải pháp của Việt Nam khi hội nhập sắp tới?
- Giải pháp cho chúng ta là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phân bổ nguồn lực hợp lý, tập trung thị trường nội địa, đừng có mải mê xuất khẩu.
Chúng ta nên xây dựng kinh tế công bằng với người sản xuất, phân phối và tiêu dùng, không ép nhau và cùng thắng mới vươn lên được. Từ vĩ mô cho đến doanh nghiệp, người tiêu dùng phải xắn tay vào giải quyết.
Điều này đòi hỏi phải có những nhà đầu tư lớn như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai làm ra cân đường chỉ có giá 5.000 đồng. Vậy tại sao người Việt lại cứ phải đi ăn đường lậu của Thái 13.000-18.000 đồng?
Do đó, chúng ta phải nâng cao cả việc chống hàng lậu, hàng giả. Thậm chí phải thay đổi một số chính sách không phù hợp. Ví dụ như việc miễn thuế cho 12 triệu loại hàng hóa ở biên giới Trung Quốc là coi như tiếp tay cho hàng lậu.
Đến thời điểm này, Việt Nam buộc phải học cách làm ăn của những nước tiên tiến. Sắp tới hội nhập AEC, TPP... chúng ta có mối quan hệ thương mại với 55 nước, hàng hóa sẽ tràn vào Việt Nam với chất lượng, giá cả hợp lý, thì chỉ người tiêu dùng hưởng lợi còn sản xuất kinh doanh của Việt Nam sẽ gặp nguy cơ lớn.
Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang rất nghiêm trọng. Nếu chúng ta phát triển nhanh, GPD tăng 6-7%/năm nhưng môi trường hỏng thì cũng vứt đi. Sau này chúng ta có hàng tỷ đôla, chúng ta cũng không làm lại được môi trường.
Xin cảm ơn ông!