Đã làm việc tại Trung tâm giống đà điểu Khatoco (xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa) 11 năm nay, anh Phạm Đông Thiện rất kinh nghiệm trong việc đỡ đẻ cho đà điểu.
Nói về công việc đặc biệt này, anh Thiện cho biết, đà điểu mẹ bồn chồn không yên, ăn rất ít, đang ăn mà bỏ chạy rần rần là mắc đẻ rồi.
Anh Phạm Đông Thiện thực hiện một ca đỡ đẻ cho đà điểu.
Nhiệm vụ của “ông đỡ” lúc đó là phải đến gần, vừa vuốt ve, vừa nắn nắn động viện đà điều đẻ trứng. Con nào mau mắn thì chỉ mất một vài phút là quả trứng nặng trĩu 2kg đã lọt ra, ôm gọn trong tay.
Nhưng có những “bà” đà điểu khó đẻ, phải ngồi vuốt ve đến 30 phút mới lấy trứng được. Và kinh nghiêm xương máu mà người đỡ đẻ nào cho đà điểu đều phải ghi nhớ là phải đề phòng đà điểu trống. "Sơ sểnh là bị “ông chồng” đà điểu rượt đuổi chạy vòng quanh chuồng” - anh Thiện cười nói.
Nhiều khi vừa chờ đợi vừa canh me đà điểu trống tấn công.
Sau khi lau chùi sạch sẽ, trứng đà điểu được ghi chép cẩn thận.
Quả trứng "khủng" của con vật đẻ trứng khổng lồ này được lau chùi cẩn thận, ghi chép số liệu đầy đủ lên vỏ rồi đem cất vào giá chuẩn bị cho ấp nở.
Việc đỡ đẻ cho đà điểu là rất cần thiết vì trứng mà tiếp xúc với đất sẽ bị nhiễm khuẩn, không ấp nở được. Hơn nữa, nhiều con đà điểu mẹ có tật đẻ đứng hoặc vừa chạy vừa đẻ, làm vỡ trứng. “Nhiều khi nhân viên đỡ đẻ cho đà điểu phải vừa chạy theo đà điểu, vừa giơ tay hứng trứng” - ông Ngô Văn Tưởng - Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm giống đà điểu Khatoco cho biết.
Đà điểu trống được chọn lọc kỹ càng để phối giống.
Được biết, đà điểu sinh sản từ tháng 12 hàng năm đến giữa tháng 10 năm sau, mỗi con đẻ khoảng 10 trứng thì nghỉ khoảng 10 ngày rồi đẻ lại. Trung bình mỗi năm 1 con đà điểu đẻ chừng 50 đến 100 trứng và có thể sinh sản liên tục trong vòng 20 năm.