Dân Việt

Bí mật trong thế giới “tín dụng đen”: Nông dân sập bẫy vay nặng lãi

Hữu Danh 29/01/2016 06:20 GMT+7
“Tín dụng đen” không chỉ hoành hành ở thành phố (NTNN số ra các ngày 22-23-24.1) mà hiện đã lan tỏa về các vùng quê. Câu chuyện một nông dân ở Long An uống thuốc độc tự sát sau khi mồ mả người thân bị chủ nợ quật lên, vứt sạch hài cốt xuống sông đã gióng lên hồi chuông về tình trạng “tín dụng đen” tàn phá vùng nông thôn...

Nhà một tỷ, “bán” trăm triệu

Vài năm trở lại đây, các phòng công chứng ở vùng ĐBSCL nhộn nhịp công chứng “bán nhà”. Điều lạ là, hầu hết chủ nhà đều bán với giá bằng 1/4 hoặc 1/5 giá thị trường. Hợp đồng kèm điều khoản, chủ cũ được quyền chuộc lại nhà nếu có tiền, trong vòng 3-6 tháng, tùy thỏa thuận. Thực chất, hợp đồng này được lập giữa bên cho vay và các con nợ - chủ yếu là nông dân.

img

Bà Nguyễn Thị Đ - người cho vay với lãi suất hơn 20%/tháng. H.D

Ngày 27.1, bà Lý Thị Há (77 tuổi, cựu tù chính trị, vợ liệt sĩ, ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) gửi đơn đến Báo Nông Thôn Ngày Nay cầu cứu, bà bị một đối tượng chuyên cho vay lừa ký hợp đồng bán toàn bộ nhà đất trị giá khoảng 1 tỷ với giá 100 triệu đồng. Công an huyện Cần Đước đã thu giữ toàn bộ bản sao các hợp đồng vay mượn của mẹ con bà Há và đến Văn phòng công chứng Long Hòa để trích lục các hợp đồng mua bán đất được lập giữa nhóm cho vay và ông Nhỏ, bà Há để làm rõ dấu hiệu cho vay nặng lãi.

Thông tin ban đầu, giữa năm 2014 ông Nguyễn Văn Nhỏ (con bà Há) vay tiền của ông H.V.S (ngụ huyện Cần Đước). Khi ông Nhỏ hết khả năng trả nợ, ông S “giới thiệu” ông Nhỏ vay của ông Phạm Quốc Thịnh (ngụ xã Long Hòa) để trả cho ông S. Để vay tiền ông Thịnh, ông Nhỏ phải ra phòng công chứng bán toàn bộ nhà đất của mình cho ông Thịnh với giá rẻ, không trả tiền coi như mất nhà. Do lãi suất lên đến 20%/tháng, ông Nhỏ hết khả năng trả nợ ông Thịnh và được hướng dẫn vay tiền của bà Nguyễn Thị Hằng (ngụ xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) để trả cho ông Thịnh.

Do ông Nhỏ không còn đất đai thế chấp nên ông mượn đất của mẹ ruột là bà Lý Thị Há để cầm cố lấy tiền trả ông Thịnh nhưng vẫn không đủ. Sau đó, toàn bộ nhà đất của bà Há được bà Hằng đứng tên, nhà đất của ông Nhỏ (khoảng 0,7ha) do ông Thịnh đứng tên. Bà Há nói: “Ông Thịnh kêu tôi ra phòng công chứng rồi kêu ký tên bảo lãnh cho con tôi vay 30 triệu đồng. Tôi mắt mờ, kêu ký là ký chứ không thấy mặt chữ. Đến khi con tôi tự tử, công an vào cuộc tôi mới biết cô Hằng nào đó lấy sạch nhà cửa của tôi”.

Sau khi ông Nhỏ tự sát và được cứu sống sau nhiều ngày nằm viện, công an vào cuộc. Bước đầu, ông Thịnh bị xử 6 tháng tù vì tội xâm phạm mồ mả. Riêng các hợp đồng cho vay có nặng lãi hay không, vẫn chưa xác định được.

Ma trận “ngân hàng gốc cây”

Chị Nguyễn Thị Bảnh, 37 tuổi, người bán hàng rong đang tạm trú ở khu phố 9, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An) kể: “Vay tiền bây giờ dễ như mua rau. Người cho vay không cần tài sản thế chấp, cũng không cần biết mình thu nhập ra sao, cứ hỏi vay là họ đồng ý, gọi là “vay tiền góp”. Nhưng chủ nợ thường giới hạn số vay từ 10 triệu đồng trở xuống vì con nợ toàn nghèo tận cùng, hết đường mới vay kiểu này. Thông dụng nhất là vay góp tháng, cứ vay 10 triệu đồng thì mỗi ngày góp 400.000 đồng, góp đúng 30 ngày là hết nợ”. Theo lời chị Bảnh, trong một lần bị tai nạn giao thông, chị vay của bà Nguyễn Thị Đ (ngụ khu phố 9, thị trấn Bến Lức) 10 triệu đồng chạy chữa. Vì bán hàng rong không đủ góp hàng ngày nên chị phải vay mượn chỗ vài trăm, chỗ cả triệu đồng để “góp”. Khi hết tháng, chị lại phải vay của bà Đ 10 triệu đồng “lần hai” để trả các chủ nợ nhỏ. Cứ như thế, chị đã vay bà Đ tổng cộng 7 lần, trong 7 tháng trả lãi 14 triệu đồng và chưa biết bao giờ mới thoát nợ. “Nói là lãi 20%/tháng nhưng thực tế cao hơn, vì mỗi ngày trả góp thì tiền gốc đã giảm xuống từng ngày. Mấy hôm nay tôi bệnh nằm một chỗ, bà Đ gọi điện nói không trả tiền thì cho đàn em tới lấy máu tôi” - chị Bảnh nói.

Tại thành phố Tân An, cho vay góp kiểu bà Nguyễn Thị Đ nhiều vô số. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức góp “lãi 20%” chưa phải là cao, vì có những chủ nợ cho con bạc vay với lãi suất lên đến 50 - 60%/tháng bằng hình thức “góp” và không cần thế chấp. Ông N.T - chủ một cửa hàng cầm xe máy ở thành phố Tân An nói: “Họ cầm xe, 10 triệu đồng mỗi ngày tôi lấy 200.000 đồng. Tính theo tháng, thì lãi suất lên đến 60%/tháng!”.

Họ cầm cố xe, 10 triệu đồng mỗi ngày tôi lấy 200.000 đồng. Tính theo tháng, thì lãi suất lên đến 60%/tháng”.

Ông N.T - chủ một cửa hàng cầm xe máy ở TP. Tân An

Khắp khu vực ĐBSCL, để chiêu dụ con mồi, các trùm cho vay cho chân rết đi dán tờ rơi trên các cột đèn đường, đèn tín hiệu giao thông, tường nhà dân, các gốc cây lớn trên bờ ruộng... với nội dung: “Vay vốn ngân hàng không cần thế chấp tài sản”, “Vay vốn tín chấp lãi suất thấp”, “Cho vay tiêu dùng lãi suất thấp không thế chấp tài sản” kèm số điện thoại di động. Không ít người đã tin tưởng vào phương thức vay tiền quá đơn giản này để rồi rước họa vào thân vì sập bẫy, phải gồng mình trả nợ với lãi suất rất cao.

Thận trọng với hợp đồng giả cách

Ông Võ Minh Thành – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An cho biết: “Những hợp đồng này được gọi nôm na là hợp đồng giả cách. Qua công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, sở phát hiện tình trạng này từ năm 2012 xảy ra tại một số huyện như: Đức Hòa, Bến Lức… sau đó, sở đã có  văn bản để chấn chỉnh. Trên thực tế, dạng hợp đồng này dễ phát hiện, vì chênh lệch tài sản quá lớn, giá trị tài sản có thể là 1 tỷ đồng, nhưng trong hợp đồng chỉ ghi 200 - 300 triệu đồng. Sở đã yêu cầu các cơ sở hành nghề công chứng phải giải thích rõ cho người dân hiểu đây thực chất là hợp đồng chuyển nhượng, các cơ sở công chứng cũng đã phát hiện, giải thích và từ chối người dân, nhưng có trường hợp dân (có thể vì túng quá) quay lại tự nguyện ký vào hợp đồng. Hiện tại, ngành tòa án đang có thụ lý một vài vụ việc như vậy, những người đi vay khẳng định họ không chuyển nhượng mà chỉ thế chấp vay tiền”.

Bà Nguyễn Thị Nĩ - Phó Chánh thanh tra Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Tiền Giang cho biết, có thể do người dân ngại đến ngân hàng, cộng thêm món tiền vay không lớn, nên muốn vay nơi nào thủ tục đơn giản, có người đến tận nhà làm thủ tục, số tiền phải trả hàng tháng không nhiều. Chính vì thế người dân chấp nhận vay tiền của “tín dụng gốc cây” mà không quan tâm đến các chi tiết trong hợp đồng cho vay. Đến khi cảm thấy số tiền phải trả có lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng nhiều lần mới giật mình, khiếu nại thì đã muộn./