Dân Việt

Cô gái 8x biến nhộng tằm thành đông trùng hạ thảo

Việt Tùng 05/02/2016 11:38 GMT+7
Bán nhà, chi hàng chục tỷ đồng, rồi bỏ ra gần 10 năm trời chỉ để bầu bạn với những con nhộng tằm, chị Hồng bị nhiều người cho rằng “hâm”, đầu óc có vấn đề.

Song cũng chính khối óc “có vấn đề” ấy, chị đã nghiên cứu và trồng thành công đông trùng hạ thảo (ĐTHT) với chất lượng tốt, song giá thành chỉ bằng 1/10 ĐTHT Tây Tạng (Trung Quốc).

Bán nhà lấy tiền “tiêm chích” nhộng tằm

ĐTHT là một loại nấm ký sinh, phát triển trên nhộng của côn trùng ở những vùng núi cao như Tây Tạng, dãy Himalaya… với hàng trăm loại khác nhau. Trong đó, ĐTHT ở Tây Tạng được đánh giá là có chất lượng tốt nhất, với hàm lượng cao các chất cordyceps militaris và cordyceps sinensis - 2 chất quan trọng nhất trong ĐTHT. Với công dụng có thể chữa trị rất nhiều loại bệnh, là thành phần không thể thiếu để bào chế nhiều loại thuốc khác nhau, chính vì vậy ĐTHT được mệnh là “tiên dược” của các dược liệu.

img

Chị Nguyễn Thị Hồng và nấm ĐTHT được sản xuất tại xã Dân Hòa (Thanh Oai, Hà Nội). V.T

Chính vì công dụng và sự hiếm hoi của dược liệu này, nên giá thành ĐTHT vô cùng đắt (ĐTHT Tây Tạng xịn khoảng 1,8 tỷ đồng/kg). Để giải “cơn khát” ĐTHT, trên thế giới đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trồng nhân tạo, song không mấy ai thành công. Ấy thế mà một người phụ nữ nhỏ bé  ở Việt Nam đã biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể,  nghiên cứu và trồng thành công ĐTHT 100% madein Việt Nam.

" Trong Nghị quyết Hội đồng nhân dân khóa 2015 – 2020 đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, huyện sẽ phối hợp với Công ty Thiên Phúc để mở rộng sản xuất ĐTHT và các loại nấm khác...”.

Ông Nguyễn Văn Bổng –
Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Oai

Người phụ nữ đó là chị Nguyễn Thị Hồng, 36 tuổi, ở xã Dân Hòa (Thanh Oai, Hà Nội). Hôm chúng tôi đến, chị Hồng đang tất bận tiêm tiêm, chích chích với những chú nhộng tằm ở phòng kỹ thuật. Dừng tay tiếp khách, chị Hồng kể cho chúng tôi nghe cái “duyên” đến với ĐTHT và quá trình lập nghiệp gian nan của mình.

Chị Hồng cho biết, năm 2003 chị tốt nghiệp Khoa Công nghệ sinh học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội), rồi làm công cho một người chuyên nghiên cứu các loại nấm.

Từ đây, chị bắt đầu đọc những tài liệu về nấm linh chi. Chị Hồng tâm sự: “Trong một lần lên mạng tìm tài liệu, tôi đã đọc một bài báo nói rất rõ về ĐTHT, loại cordyceps militaris. Tìm hiểu, thấy loại dược liệu này rất tốt, song ở Việt Nam chưa có ai nghiên cứu thành công, nên tôi đã nảy ý tưởng nghiên cứu trồng loại dược liệu quý này”.

Với 6 năm nghiên cứu tài liệu, năm 2009 chị Hồng quyết định mua giống về nuôi cấy. Sau nhiều lần nhờ người thân mua giống ở Nhật Bản, Hàn Quốc không được, chị đành tự thân sang Trung Quốc mua một lọ giống 5 triệu đồng về trồng thử. Cũng chính từ lọ giống này, chị đã mày mò nghiên cứu ra các chất giống hệt loài nhộng tằm mà ĐTHT thường ký sinh ngoài tự nhiên, từ bột gạo, nước dừa và các chất khác. Tuy nhiên, khi tiêm phôi nấm vào nhộng, chị càng chờ đợi thì số phôi chết càng nhiều, nhộng thối rữa bốc mùi nồng nặc.

Không từ bỏ, chị tiếp tục sang Trung Quốc mua tiếp 10 lọ giống,  rồi nhân ra hàng nghìn lọ phôi nấm, song cuối cùng vẫn thất bại vì phôi nấm chết hàng loạt. Đợt ấy, chị Hồng thiệt hại 300 triệu đồng. Và một lần nữa chị buộc phải quay lại Trung Quốc để mua giống. Lần này chị thử nghiệm một vạn lọ, và đau xót hơn là vẫn thất bại, thiệt hại lên tới 500 triệu đồng.

Thất bại liên tục, chị Hồng không trồng nữa, mà quay ra nghiên cứu nguyên nhân. Chị nhận thấy, giống ĐTHT Tây Tạng mà chị mua đã bị thoái hóa, và vì thời tiết, khí hậu, nhiệt độ ở nước ta khắc nghiệt nên cây nấm khi mọc ra bị nhiễm khuẩn, thối và chết. Năm 2010, chị thành lập Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc và chị đã có một quyết định “liều lĩnh” khi bán ngôi nhà mặt đường để lấy tiền nuôi hy vọng thành công với ĐTHT. Lần thứ tư sang Trung Quốc, chị đánh liều với loại giống 50 triệu đồng/lọ có chất lượng tốt hơn. Trải qua mấy lần thất bại, lần này chị đã rút kinh nghiệm, điều chỉnh lại các thông số nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm phù hợp. Nhờ đó những lọ phôi giống của chị đã sống và bắt đầu mọc lên những cây nấm màu vàng.

img

Công nhân kiểm tra nấm ĐTHT tại cơ sở ở xã Dân Hòa (Thanh Oai, Hà Nội). V.T

Chia sẻ về những lần thất bại, chị Hồng cho hay: “Trong tài liệu nghiên cứu ĐTHT của Mỹ không viết rõ cần tiêm giống nấm vào nhộng tằm sâu bao nhiêu, ở vị trí nào, nên tôi chỉ tiêm vào đầu và ngực của con nhộng mà không để ý đến khoảng cách, độ sâu dẫn đến nấm bị nhiễm trùng không phát triển được. Sau này, tôi tìm cách khắc phục bằng cách đưa các cốc thủy tinh vào lò hấp để khử trùng trước khi tiêm giống vào nhộng”.

Làm giàu cho gia đình và cộng đồng

Năm 2013, sản phẩm ĐTHT của Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công nhận đạt tiêu chuẩn và được phép lưu hành rộng rãi; năm 2014, được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế chứng nhận danh hiệu “Sản phẩm dịch vụ chất lượng cao”. Hiện mỗi tháng chị Hồng trồng khoảng 10.000 – 15.000 lọ nấm ĐTHT. Năm 2015 ĐTHT đưa về cho chị 13 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi hàng tỷ đồng. Trong đó, 50%  số sản phẩm được cung cấp cho các công ty chế biến dược liệu trong nước, 30% xuất khẩu sang Đức, Thái Lan, Singapore… 20% sản phẩm được công ty tiêu thụ trong nước, dưới dạng tươi, khô và sản phẩm được chiết xuất dạng viên đóng hộp, với giá 20 triệu đồng/kg tươi và khoảng 180 triệu đồng/kg khô. Giá bán sản phẩm của Thiên Phúc chỉ bằng 1/10 giá ĐTHT Tây Tạng, trong khi chất cordyceps militaris bằng 70% so với ĐTHT Tây Tạng.

Khi được hỏi về quy trình sản xuất ĐTHT, chị Hồng vui vẻ cho hay: “Nguyên liệu chính là gạo và nước dừa, có phối trộn thêm nguồn vi chất bổ sung. Bắt đầu từ khử trùng lọ, nguyên liệu để nguội, cấy giống cấp 1, giống cấp 2, ươm sợi, kế đến là kích thích tạo quả thể và nuôi quả thể khoảng 2 tháng thì thu hoạch”. Tất cả ĐTHT sau khi thu hoạch đều được đưa đến Viện Khoa học Việt Nam để phân tích nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất trước khi đưa ra thị trường, nhờ đó mà sản phẩm của công ty luôn được khách hàng đón nhận.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, sau khi thành công, chị Hồng đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Thanh Oai tổ chức hơn 10 buổi tập huấn cho hơn 300 nông dân về chuyển giao KHKT để trồng ĐTHT và các loại nấm. Hiện chị đang “cầm tay chỉ việc” giúp cho hàng chục hộ nuôi trồng ĐTHT, đồng thời bao tiêu 100% sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Thanh - một hộ tham gia liên kết sản xuất ĐTHT với chị Hồng ở xã Dân Hòa cho hay: “Nói về nấm rơm, mộc nhĩ chúng tôi còn biết, chứ ĐTHT tôi mới nhìn thấy lần đầu khi chị Hồng đưa về giới thiệu. Lúc đầu nghe nói đây là “thần dược cải lão hoàn đồng” dùng cho vua chúa ngày xưa, với giá cả tỷ đồng, chúng tôi ai nấy đều há hốc mồm, nghĩ mình không làm được. Nhưng được chị Hồng và các nhân viên công ty hướng dẫn tận tình, hiện chúng tôi đã nuôi được ĐTHT, với thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng các loại nấm khác”./.