Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách thông qua Hội ND trong năm 2015?
Nhiều ND huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) vay vốn chương trình tín dụng hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản. ảnh:Nguyễn Công
- Năm 2015, tổng dư nợ các chương trình vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH ủy thác qua Hội NDVN là 44.894 tỷ đồng, tăng 5,32% so với năm 2014. Hội đang thực hiện ủy thác 16 chương trình tín dụng chính sách với 2.251.388 hộ vay, mức vay bình quân tăng lên 19,5 triệu đồng/hộ.
Chất lượng tín dụng năm 2015 tiếp tục được cải thiện. Nợ quá hạn trung bình của cả hệ thống 0,38%, giảm 0,03% so với năm 2014. Có 57 tỉnh, thành phố tỷ lệ nợ quá hạn thấp dưới 1% chiếm tỷ lệ 90%. Một số tỉnh phối hợp Ngân hàng CSXH thu hồi dứt điểm nợ chiếm dụng, không có phát sinh nợ mới như Sơn La, Bắc Kạn, Kiên Giang...
Trong năm 2015, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình ủy thác vốn tín dụng chính sách tiếp tục được các cấp Hội ND cả nước chú trọng, quan tâm. Công tác giao ban định kỳ giữa Ngân hàng CSXH với Hội ND được duy trì, chất lượng, hộ vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm được đẩy mạnh.
Để đạt được những kết quả trên, Hội NDVN đã có những chỉ đạo gì về tổ chức thực hiện công tác ủy thác tín dụng chính sách?
- Năm qua, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành hội phối hợp Ngân hàng CSXH cùng cấp quán triệt, phổ biến sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”; phổ biến, thông tin kịp thời các chính sách mới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ như cho vay hộ mới thoát nghèo, giảm lãi suất cho vay với một số chương trình tín dụng chính sách; nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; các quy định của Ngân hàng CSXH về thu lãi, thu gốc, thu tiết kiệm; chính sách giảm lãi khi trả nợ trước hạn...
T.Ư Hội NDVN cũng rốt ráo chỉ đạo cấp hội cơ sở phối hợp chặt chẽ Ngân hàng CSXH trên địa bàn nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV); thực hiện tốt công tác bình xét cho vay; công tác kiểm tra, giám sát đi đôi với hướng dẫn và đôn đốc Hội ND cơ sở khắc phục những hạn chế đã được phát hiện.
T.Ư Hội NDVN tập trung chỉ đạo những nơi có nợ quá hạn, nợ tồn đọng cao phối hợp Ngân hàng CSXH, chính quyền địa phương tích cực thu hồi các khoản nợ quá hạn, nợ lãi, nợ chiếm dụng (nếu có); kiểm kê, đối chiếu và phân loại nợ, khả năng trả nợ của người vay; hạn chế phát sinh nợ mới...
Các cấp Hội ND chủ động và phối hợp Ngân hàng CSXH tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ hội được phân công quản lý, theo dõi chương trình ủy thác và tổ trưởng tổ TKVV; kết hợp giải ngân vốn vay ưu đãi với hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề... giúp hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách sử dụng hiệu quả vốn.
Công tác kiểm tra, giám sát các chương trình vốn tín dụng chính sách của Hội NDVN năm 2015 được thực hiện như thế nào?
- Ngay từ đầu năm, Ban điều hành Quỹ HTND T.Ư Hội NDVN đã xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ban điều hành Quỹ HTND T.Ư đã tổ chức các đoàn kiểm tra và phối hợp Ngân hàng CSXH thực hiện giám sát ở 22 tỉnh, thành hội.
Ban cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra của Thường trực T.Ư Hội NDVN theo chương trình của Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tại 2 tỉnh; tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về chương trình tín dụng cho vay học sinh sinh viên tại 4 tỉnh, đoàn khảo sát của Ngân hàng về nâng cao chất lượng hoạt động tổ TKVV... Qua kiểm tra, hầu hết các tỉnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của T.Ư Hội NDVN. Các cơ sở quản lý tốt vốn vay, hộ vay dùng vốn đúng mục đích, thu hồi vốn, phí đủ khi đến hạn.
Năm 2016, Hội NDVN có kiến nghị, đề xuất gì nhằm giải quyết những khó khăn trong hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách?
- T.Ư Hội NDVN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan bố trí nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi theo các quyết định của Thủ tướng đã ban hành; HĐND, UBND các cấp cần tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung cho Ngân hàng CSXH trên địa bàn; các bộ, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp các đoàn thể chính trị đẩy mạnh dịch vụ tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các đối tượng chính sách về giống, tiến bộ kỹ thuật, vật tư... qua đó giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng CSXH tạo điều kiện bố trí nguồn vốn cho vay để thực hiện một số mô hình điểm do Hội ND chỉ đạo...
Xin cảm ơn ông!