Mỗi khi nhắc đến người con gái lớn, ông Phát lại không giấu nổi nước mắt. Vì cái chất độc quái ác mà đã nhiều năm nay, ông không còn nhìn thấy nụ cười xinh tươi và hạnh phúc của cô con gái lớn. Ban ngày, ông không dám cho con ra ngoài vì sợ những ánh mắt nhìn soi mói của mọi người.
Bố con ông Phát và Thùy Dương . |
Cảnh đời rơi nước mắt
Ông Phát kể: “Lúc nhỏ, Dương rất kháu khỉnh và khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác. Năm lên 7-8 tuổi thì Dương phát bệnh. Khối u trên mặt to dần lên và trùm kín cả một bên mắt. Rồi bạn bè không cho ngồi gần, không chơi với nên tôi đành cho cháu ở nhà tự học. Dương phải sống hơn 20 năm trong nỗi bất hạnh, không được đi học, không có bạn bè...”.
Năm 1972, ông Nguyễn Tấn Phát tham gia chiến đấu tại chiến trường Khu 9, bảo vệ, áp tải và giao nhận hàng từ Campuchia về Tây Ninh. Năm 1975, sau khi đất nước giải phóng, ông xin về quê vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Năm 1983, ông Phát xây dựng gia đình và đến năm 1988 mới có con gái đầu lòng là Đỗ Thuỳ Dương, sau đó ông có thêm một cậu con trai là Đỗ Cao Phương. Tuy nhiên, chỉ có Dương bị ảnh hưởng từ bố.
“Tôi cũng chẳng biết cái chất độc chết người ấy đã ngấm vào cơ thể mình từ khi nào. Phải tới khi con gái phát bệnh, tôi mới biết” - ông Phát nói. Từ khi đó, những sinh hoạt nhỏ nhất của Dương đều do ông chăm nom. Bây giờ Dương chẳng có răng, chỉ ăn được những thứ mềm và toàn thân luôn đau đớn.
“Bệnh tật đã buồn tủi, nhưng buồn nhất là vợ tôi cũng bỏ bố con tôi đi từ ngày Dương phát bệnh, một mình tôi “gà trống nuôi con” khiến Dương càng thêm thiệt thòi” - ông Phát ưu tư.
Con có chế độ, bố chưa được hưởng
Hàng ngày, ông Phát quanh quẩn bên mấy luống rau và ao cá, được chút nào lại chạy chợ bán để có tiền chữa trị bệnh tật cho con. “Nếu trời đất thương, kiếm đủ tiền thì mỗi năm tôi cũng đưa con gái đi trị bệnh được vài lần. Năm nào túng bấn thì chịu, ngồi nhìn con đau đớn, gào thét khi phát bệnh, tôi cũng chỉ biết ôm con khóc mà bất lực”.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
Dương đã được đưa đi khám và xác nhận bị nhiễm chất độc da cam từ cha và được hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam với mức trợ cấp hàng tháng là hơn 700.000 đồng. Tuy nhiên, điều oái oăm là bản thân ông Phát lại chưa được hưởng chế độ của Nhà nước. Ông Phát giãi bày: “Tôi không đi khám bệnh, mà cũng chẳng biết làm hồ sơ như thế nào, nộp cho ai để được hưởng chính sách”.
Theo ông Nguyễn Thanh Cần – Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Sóc Trăng, ông Phát trước đây tham gia trong đoàn dân y ở Khu 9 nhưng lại không còn giấy tờ xác nhận. Chỉ có 2 nhân chứng cùng đơn vị ông xác nhận nhưng đến nay một người đã mất. Vì thế, ông Phát chưa thể hoàn thiện hồ sơ, trong khi đó cần phải có đủ giấy tờ, có quyết định của UBND huyện mới làm tiếp thủ tục giám định được.
“Chúng tôi đã tiến hành làm thủ tục cho ông Phát hưởng trợ cấp một lần của Nhà nước nhưng cũng chưa được”- ông Cần nói.
Thanh Xuân