Biết rủi ro, vẫn chơi
Tại một xã ở Thái Bình, tin bà Hương - chủ một cửa hàng tạp hóa lớn đã đi khỏi địa phương không về khiến những người đã cho bà Hương vay tiền với lãi suất 6%/tháng như ngồi trên đống lửa. Lấy lý do là cần tiền lấy hàng, cứ ai có tiền là bà Hương vay. Đến nay, cửa hàng đã đóng, chủ không thấy về. Tham lãi suất, mất tiền, nhiều người uất hận nhưng biết đòi ai.
Những câu chuyện như trên từ trước tới nay cũng đã nhiều, như vụ án “Nước hoa Thanh Hương của thế kỷ trước” giờ vẫn là bài học nhãn tiền. Hiện đã không còn mấy người dân tin tưởng vào việc huy động vốn của cá nhân lãi suất cao như vậy. Tuy nhiên, người dân cho nhau vay theo hình thức tín chấp, lãi suất khá cao vẫn đang phổ biến.
Luật sư Phạm Sơn (Ninh Bình) cho biết: Ở các vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ đang rất phổ biến hình thức người dân tham gia vào bốc hụi, họ, phường. Một số tham gia là để lấy lãi, nhưng phần nhiều trong đó là vì nhu cầu cần tiền kinh doanh, tiêu dùng, trang trải nợ nần, cho con ăn học, đi xuất khẩu lao động, chạy việc…
Có hai hình thức “chơi phường”, đó là: phường mua và phường góp. Phường góp là hình thức một nhóm người người thống nhất cùng góp một khoản tiền và lần lượt từng người lấy. Ví dụ: A, B, C, D, E thống nhất góp mỗi tháng 1 triệu đồng/người trong 5 tháng. Lần lượt mỗi người lấy 4 triệu đồng/tháng từ số góp của 4 người kia. Hình thức này mang tính chất tương trợ để có một món tiền “ra tấm ra món”, người lợi, người thiệt cũng không nhiều.
Phổ biến hơn là hình thức phường mua mà phần thua thiệt thường rơi vào những người nghèo cần tiền. Ví dụ: 10 người góp vốn với mức 1 triệu đồng/tháng. Ai cũng muốn lấy trước. Để xác định ai được ưu tiên, phải tham gia trả giá (như kiểu đấu thầu). Ví dụ bà A và bà B muốn lấy trước. Bà A báo sẽ mua phường với giá 200 nghìn đồng/người, bà B báo sẽ mua 300 nghìn đồng/người. Trong trường hợp này, bà B thắng bà A. Khi đó, 9 người còn lại chỉ phải đóng cho bà B 700 nghìn đồng/tháng (do bà B chấp nhận là mình chịu thiệt 300 nghìn đồng). Thế là thay vì nhận được 9 triệu đồng như Phường góp, thực tế bà B chỉ được nhận 6,3 triệu đồng. 9 tháng còn lại, bà B vẫn phải đóng 1 triệu đồng/tháng để trả cho những người còn lại. Tính chung cuộc, tham gia phường mua, bà B phải bỏ ra 9 triệu đồng, trong khi thực nhận chỉ có 6,3 triệu đồng.
Về mặt lý thuyết, người cuối cùng thỏa thuận phường mua này là người có lợi nhất, tuy nhiên, họ cũng là người chịu rủi ro nhất nếu một vài thành viên tham gia phường vì lý do nào đó mà không đóng góp được.
Trao đổi với chị Loan (Nam Định), thua thiệt nhiều thế sao vẫn tham gia? chị Loan giải thích: “ Em rất cần tiền để trang trải tiêu dùng dịp cuối năm nên cứ “bốc phường” lấy một món tiền to chi dùng trước đã, sau này mỗi tháng góp trả dần cũng nhỏ hơn, còn cố được”.
Vay tiêu dùng đang thắng thế
Thực tế cho thấy, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân ngày một gia tăng, trong khi đó, dịch vụ cho vay tiêu dùng chính thức lại rất ít. Ở vùng nông thôn, mạng lưới ngân hàng hiện nay chủ yếu là Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận tới được nguồn vốn ngân hàng, người dân phải có tài sản thế chấp tốt, mà điều này thì không phải ai cũng có thể đáp ứng được. Nếu có, cũng chỉ vay được một lần, nên người dân chỉ chủ yếu dùng khi cần vay với số tiền từ vài chục triệu đồng trở lên.
Chính vì vậy, các công ty tài chính đang mở rộng dịch vụ cho vay tiêu dùng tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần cải thiện đời sống người dân, xóa đói, giảm nghèo. Anh Nguyễn Thắng - một chuyên gia tài chính phân tích: Như trường hợp của chị Loan (Nam Định) nói trên, nếu vay được từ các công ty tài chính thì theo cách tính lãi suất của một công ty, giả sử chị vay 10 triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng với mức lãi suất 18%/năm, thì sau khi được duyệt vay, ngoài nhận đủ 10 triệu đồng ngay lập tức, số lãi hàng tháng chị phải trả chỉ là 496,476 đồng. Sự tiện lợi dành cho chị Loan ở đây là ngay từ đầu chị đã có thể nhận được đúng số lượng tiền mà mình mong muốn (10 triệu đồng so với mức 6,3 triệu đồng nếu tham gia chơi phường). Bên cạnh đó, không hề có rủi ro khi vài người nghèo khác không có khả năng góp tiếp, hoặc có người lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Vì lẽ đó, việc các tổ chức tín dụng đang mở rộng dịch vụ cho vay tín dụng về các vùng nông thôn đang thắng thế trong cuộc đua mở rộng thị phần.