South China Morning Post ngày 2.2 đăng bài bình luận của học giả Cary Huang nhận định, chiến lược Con đường Tơ lụa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang mang theo những rủi ro tài chính cho đất nước này, mặc dù nó được xem như một "phần thưởng chính trị".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Ai Cập vừa qua, ảnh: AP/SCMP.
Chiến lược Con đường Tơ lụa hay Một vành đai - một con đường của ông Tập Cận Bình có thể xem như một mũi tên nhắm tới 3 đích. Về kinh tế, ông Bình muốn giúp các doanh nghiệp Trung Quốc khai thác thị trường nước ngoài dọc theo Con đường Tơ lụa được thiết lập từ thời nhà Hán.
Chương trình này cũng là một nỗ lực để giải quyết vấn đề quá tải trong nhiều ngành công nghiệp ở Trung Quốc, nuôi dưỡng cải cách cơ cấu kinh tế trong nước và thúc đẩy tăng trưởng.
Về chính trị, Trung Quốc cần có bạn và đồng minh chính trị, bù đắp cho sự cô lập về tư tưởng của mình trong một thế giới hậu Chiến tranh Lạnh. Bắc Kinh muốn tìm lại vai trò lãnh đạo của mình trong thế giới các nước đang phát triển thông qua việc làm sống lại phong trào không liên kết.
Còn về ngoại giao, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc là một phần của chiến lược mở rộng phạm vi ảnh hưởng nhằm tạo ra thế và lực tương đương với Hoa Kỳ, biến Trung Quốc thành trung tâm toàn cầu về thương mại, văn hóa và chính trị như địa vị nước này đã từng có hơn 2000 năm trước.
Với hơn 3 ngàn tỉ USD dự trữ ngoại hối, Bắc Kinh đã mở rộng đáng kể các hoạt động cho vay nước ngoài, chủ yếu là phát triển kinh tế tại các nước mà các nhà đầu tư quốc tế, các định chế tài chính hàng đầu của phương Tây hiện nay bỏ qua.
Chuyến công du như cơn lốc gần đây của ông Tập Cận Bình đến 3 nước Trung Đông là Iran, Saudi Arabia và Ai Cập là một phần của mục tiêu làm sống lại Con đường Tơ lụa, tìm cách quảng bá hình ảnh và ảnh hưởng của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu.
Nhưng các khoản đầu tư vung tay vào một khu vực không ổn định về chính trị có thể tạo ra nguy cơ rủi ro lớn. Ngay lúc này, quan hệ giữa Bắc Kinh với hầu hết các nước dọc Con đường Tơ lụa từ Trung Á đến Trung Đông phần lớn dựa vào quan hệ nhập khẩu năng lượng.
Trung Quốc đang mua hơn một nửa lượng dầu thô từ khu vực này. Tuy nhiên, trong thời bình dầu thô có thể được mua bằng tiền mặt từ bất kỳ nơi nào mà không cần các khoản đầu tư khác đi cùng.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang háo hức khám phá thị trường nước ngoài ở những nơi khác mà không nhất thiết phải nằm dọc Con đường Tơ lụa. Khái niệm địa lý của Con đường Tơ lụa không thích hợp khi nói đến việc giải quyết các vấn đề kinh tế của Trung Quốc.
Trong kinh tế học, triết lý của đầu tư là bài toán giữa rủi ro và lợi nhuận, tuy nhiên đây lại không nhất thiết phải là sở trường của một nhà chính tri. Còn các gói kích thích kinh tế của chương trình Con đường Tơ lụa là một dự án chính trị, chi phối bởi các nhà đầu tư của chính phủ Trung Quốc chứ không phải tư nhân.
Đó là lý do tại sao tỉ phú Hồng Kông quyết định đầu tư mạnh ở Anh và Canada chứ không phải các nước dọc theo Con đường Tơ lụa, bất chấp kêu gọi của Bắc Kinh hỗ trợ chính phủ trong các dự án này.
Còn trên phương diện chính trị, các khoản đầu tư của Trung Quốc cũng chẳng giúp họ có được tình cảm của người dân sở tại. Bắc Kinh gắn quá nhiều ý nghĩa chính trị và ngoại giao cho các dự án như vậy sẽ có nguy cơ kiếm được rất ít lợi nhuận kinh tế, thậm chí là mất tiền.