Vị ngọt tự nhiên
Không có món nào giống với trái mỏ quạ xào tép và càng không giống món nào khác dù ông bạn chuyên nghề bếp núc Bữu Việt cố làm như món mướp rắn dồn thịt để đố nhau.
Rau " xuyên phá thạch" một thời biệt tăm
Anh bạn Bữu Việt, từng đoạt ngôi thứ nhất dành cho đầu bếp trong cuộc thi Chiếc thìa vàng khu vực châu thổ Cửu Long, thận trọng múc từng khoanh mỏ quạ và mỗi chén chỉ được hai muỗng nước với cam đoan không dùng gia vị làm ngọt. Vậy mới biết cây cỏ huyền diệu tới mức nào, vị ngọt tự nhiên như vẫn còn trong sớ, ngấm từ từ với miếng đầu tiên, chấm một chút nước mắm đồng với ớt “lộn kiếp” vị đậm đà hơn… Khác với dĩa mỏ quạ xào tép xào vừa chín, dai và giòn, nhịn thèm tép rong, nhai từng khoanh mỏ quạ mới nghe vị ngọt mình ên của trái ngon họ dâu tằm, hình mỏ quạ này.
Nghe kể món mỏ quạ xào tép, em tôi nhớ hồi xưa trong vườn nhà, mỏ quạ mọc hoang dại cứ bám riết vào cây cao để leo lên. Ngoại lặt lá nấu canh rau tập tàng mà thời nay người sang hay gọi món khi vô nhà hàng.
“Có bông mỏ quạ xào tép thì thiên lý phải ở lại”, theo cách em tôi so sánh. Sống viễn xứ đã lâu mà nghe kể về món ăn của ngoại, có thể ký ức của em tôi tự nâng thêm điểm cho món mỏ quạ. Tôi thử gắp vài bông hoa trắng đục như sữa, chậm rãi nhai để khẩu vị tự đánh giá. Những cánh hoa đã nở hay những chiếc búp còn hơi nóng, phải khéo lắm mới không để hơi nóng làm những cánh hoa rũ rượi; vậy mới có cảm giác chạm vào thế giới huyền bí của cỏ cây.
Mỏ quạ không có ở Việt Nam?
Những ông bạn thị dân càng đã đời với món mới nhưng thú thiệt vẫn mù mờ về mỏ quạ. Nhờ "bác" Google tìm giúp, lại thấy có nguồn nói “loài này không có ở Việt Nam”, còn trên website của đại học Huế thì nói mỏ quạ chỉ có ở vùng Chân Mộng, Vĩnh Phú.
Ông bạn Đỗ Khuê của tôi học trường nông lâm súc Bảo Lộc. Người này nhớ mỏ quạ với cái tên sặc mùi kiếm hiệp: “Xuyên phá thạch”, danh pháp khoa học: Maclura tricuspidata. Bên Tàu cố làm cho khác đi, gọi là Chá. GS Đỗ Tất Lợi khẳng định: rễ được dùng làm thuốc khứ phong, hoạt huyết phá ứ, chữa ứ tích lâu năm, bị đả thương, phụ nữ kinh bế.
Tạo hoá luôn là nhà thiết kế đại tài, những dây leo tự do lớn lên từ bộ rễ tinh vi bám vào lòng đất. Ngay cả khi nắng chói chang, gay gắt hay mưa đầm đìa, mỏ quạ vẫn sống khoẻ. Tính khí “trèo leo” tự do, mạnh mẽ tới mức xuyên qua đá, chỉ vì đe doạ cây khác mà dễ bị xử như những loài hoang dại. Đó là chuyện ngày xưa mỏ quạ biến mình thành “thổ phỉ”.
Ở giữa sông Hậu, mỏ quạ được trồng để làm lành vết thương. Còn anh bạn già Bữu Việt ở ven sông, chọn mỏ quạ như một vật liệu hiếm có để xếp vào tốp những món ăn kỳ thú trong thực đơn thiên về dược tính. Chỉ cần bón phân hoá học, xịt thuốc hoá học thì hoá chất sẽ triệt tiêu dược tính ở mỏ quạ. Một cốt cách rõ ràng trong sự sống tự do, mỏ quạ – xuyên phá thạch – không chấp nhận trá hình bằng lớp vỏ mượt mà do hoá chất.