Theo quan niệm của người xưa, Thọ là một trong ngũ phúc gồm: Khang – Ninh – Phúc – Lộc – Thọ. Đó là một hệ giá trị xuyên suốt trong văn hóa của người Á Đông.
Thọ là phúc đức mà mỗi người đều mong muốn. Thọ không phải chỉ là sống lâu trăm tuổi, đầu bạc răng long. Thọ còn thể hiện mong muốn trường thọ, sống hạnh phúc cùng gia đình, con cháu đầy đàn, phú quý đề huề...
Sống trường thọ là ước muốn của con người (ảnh minh họa)
Chia sẻ về chữ Thọ trong văn hóa dân gian của người Việt Nam, Giáo sư Ngô Đức Thịnh – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết, trong tâm niệm của người Việt Nam, chữ Thọ mang những nét đẹp văn hóa và truyền thống. Tuổi thọ cao là mơ ước của mọi người.
“Ngày Tết, mọi người thường đi xin chữ Thọ về treo trong nhà, đó là để cầu mong sức khỏe, mong sống lâu. Con người ai cũng mong muốn sống thọ. Nó đã trở thành ước nguyện và đạo lý thấm nhuần trong tất cả mọi người”, Giáo sư Thịnh nói.
Giáo sư Thịnh cũng cho biết thêm, từ xa xưa, các vị vua chúa từ đời này qua đời khác vẫn miệt mài đi tìm vị thuốc trường sinh bất lão. Điều đó thể hiện ước nguyện được sống trường thọ của con người. Tuy nhiên, quy luật: sinh, lão, bệnh, tử đã trở thành vòng tuần hoàn sống trong mỗi con người mà đến nay chưa ai xoay chuyển được.
Theo Giáo sư Thịnh, mừng thọ cũng là một hình thức của chữ Thọ. Đó là dịp để con cháu kính chúc ông bà thêm một tuổi càng sống khỏe, sống lâu hơn. Những người cao tuổi hay gia đình có người trường thọ thường được xem là nhà có phúc lớn, vì có phúc nên mới sống lâu, con cháu đề huề. Một trong những bức trướng mừng thọ thường có câu: “Phúc ấm gia thanh, thiên ân thọ/Tử tôn kính chúc bách niên Xuân” ( nghĩa là: Nhà có phúc thì trời ban cho tuổi thọ/ Con cháu chúc bố mẹ, ông bà trăm mùa xuân).
Ngày nay, đời sống tinh thần vật chất của người dân ngày càng được nâng cao, tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng lên. Theo công bố của Tổng cục thống kê, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2014 là 73,2 tuổi (trong đó, nam là 70,6 tuổi; nữ 76 tuổi).
Tuy vậy, người Việt Nam sống thọ nhưng yếu. Nhiều người cao tuổi phải sống chung với bệnh tật trong nhiều năm. Do đó, việc chăm sóc người cao tuổi cần được xã hội, gia đình quan tâm nhiều hơn nữa.
Giáo sư Thịnh cho biết, con người muốn sống thọ, ngoài cuộc sống no đủ, cần phải biết phấn đấu, rèn luyện sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.
“Xã hội nào cũng cần có sức khỏe. Con người có sức khỏe thì mới cống hiến và đóng góp cho xã hội. Vì vậy, con người phải được chăm sóc kĩ lưỡng từ bữa ăn, giấc ngủ và rèn luyện thường xuyên sẽ có sức khỏe và kéo dài được tuổi thọ”, Giáo sư Thịnh chia sẻ.