Dân Việt

Người đầu tiên trồng ca cao thành công ở buôn Phôk

Thiên Hương 12/02/2016 14:00 GMT+7
Giờ đây, những mảnh đất bạc màu, khô cằn ở buôn Phôk, xã Yan Tao (huyện Lăk, Đăk Lăk) đã được phủ xanh bởi hàng chục ha ca cao. Cũng nhờ ca cao, hàng chục hộ đồng bào dân tộc M’nông trong buôn đã thoát nghèo, trở nên khấm khá.

Ðể có ngày hôm nay, không thể không nhắc tới vai trò của chị Hbim Bkrông, người đầu tiên trồng ca cao thành công và giúp đỡ nhiều hộ nghèo trồng ca cao hiệu quả tại buôn Phôk.

Kiên trì đợi ngày hái quả

Ðã lâu không gặp chị, hôm vừa rồi gọi điện hỏi thăm, chị Hbim Bkrông khoe mới tậu 5 sào đất và đã trồng thêm 500 cây ca cao. Vậy là đến nay, chị có tổng cộng 1,5ha ca cao, trong đó khoảng 1.000 cây đang cho trái. Số diện tích này không phải là lớn ở huyện Lăk, nhưng với những ai biết về chị, chắc hẳn sẽ thầm khâm phục ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của người phụ nữ này. Hbim năm nay 47 tuổi.

Chị và chồng có với nhau 2 mặt con, nhưng vì chồng mải mê rượu chè, không lo làm ăn, lại thêm tính vũ phu nên Hbim đã quyết định chia tay. Một mình Hbim bươn chải để nuôi 2 con ăn học, nuôi bố mẹ già. “Ngày trước mình chỉ trồng lúa ngô, quanh năm vất vả mà vẫn nghèo, có tháng hết gạo ăn phải lên rừng hái măng, đi mót phân bò về phơi khô rồi bán cho các chủ vườn cà phê đắp đổi qua ngày…” – Hbim kể.

img

Chị Hbim Bkrông bên cây ca cao cho quả năm đầu tiên. Ảnh: Thiên Hương

Là một trong những hộ nghèo nhất buôn, năm 2007, chị Hbim được lựa chọn là 1 trong 40 hộ tham gia dự án chuyển giao kỹ thuật trồng ca cao do Tổ chức Success Alliance tài trợ. Mỗi hộ được hỗ trợ 150 cây giống, tập huấn kỹ thuật. Nhưng ngày đó, ca cao là một loại cây trồng rất mới, mọi người đều chưa biết cây có ra trái không, hiệu quả thế nào...

Lâu nay Hbim chỉ quen trồng lúa, khoai mì, vài tháng là có ăn, nay phải đợi 2-3 năm ca cao mới cho quả nên cũng sợ chết đói lắm. Vì nghi ngờ hiệu quả kinh tế của ca cao nên nhiều hộ đã bỏ bê chăm sóc, ca cao chết dần, riêng Hbim vẫn cần mẫn với mảnh vườn của mình. “May nhờ có cán bộ khuyến nông Y Săn Ayun hướng dẫn trồng xen ngô, đậu vào vườn ca cao mới trồng, lấy ngắn nuôi dài nên tôi yên tâm đợi ngày hái quả” – Hbim nói.

Ðến năm 2009, Hbim là người đầu tiên ở buôn thu được 4 tạ hạt ca cao. Bán ca cao cho Công ty TNHH Cargill Việt Nam được 24 triệu đồng, chị trả hết mấy khoản nợ rồi đánh liều mua máy bơm, mua thêm 750 cây ca cao giống về trồng xen trong vườn điều già. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn ca cao của chị sớm cho trái, năng suất bình quân 3 - 3,5kg hạt khô/cây. Năm 2011 chị thu lãi 50 triệu đồng, năm nay ước lãi 100 triệu đồng.

“Bà đỡ” của người nghèo

Hbim không phải là hộ giàu nhất buôn, nhưng bà con vẫn gọi chị là “bà đỡ”, là “đại gia” - chị là người cung ứng cây giống, thu mua hạt ca cao cho bà con, cho bà con mua phân bón trả chậm, giúp đỡ hộ nghèo...

Với mức thu nhập trên, Hbim không phải là hộ giàu nhất buôn, nhưng bà con vẫn gọi chị là “bà đỡ”, là “đại gia” - bởi chị là người đã đứng ra cung ứng cây giống, thu mua hạt ca cao cho bà con mà không lấy lãi, cho bà con mua phân bón trả chậm, đồng thời sẵn sàng giúp đỡ vốn cho những hộ nghèo...

“Ðất ở buôn Phôk bạc màu lắm, nếu cứ trồng ngô lúa thì suốt đời không thoát nghèo được. Từ thực tế của mình, tôi đã vận động bà con cùng trồng ca cao để tăng thu nhập. Ðây là loại cây có nhiều triển vọng, hiện giá thu mua hạt khô đạt 71.000 – 73.000 đồng/kg, cao gấp đôi cà phê, lại dễ bán. Ca cao cho thu hoạch liên tục nên chỉ cần trồng 1ha là bà con thường xuyên có 2 – 3 triệu đồng để chi tiêu” – chị Hbim cho biết.

Ðược chị Hbim khích lệ, buôn Phôk đã có 80/177 hộ tham gia trồng ca cao. Năm 2014, Hbim mạnh dạn đứng ra thành lập tổ hợp tác trồng ca cao bền vững, thu hút 7 hộ cùng tham gia. Hiện Hbim còn là Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của buôn, hàng năm đều phối hợp với Hội Nông dân giúp hộ nghèo được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. “Từ năm 2012 đến nay, buôn có 50 hộ người M’nông được vay vốn ưu đãi, mức vay từ 20 – 25 triệu đồng/hộ. Hầu hết nguồn vốn này bà con dùng nuôi bò, trồng ca cao và đến nay đã có 10 hộ thoát nghèo” – Hbim cho hay.