Phiên chợ Na Mèo ngày cuối năm đông vui, nhộn nhịp khác thường hơn mọi phiên khác. Chợ biên giới Na Mèo thường họp vào sáng thứ Bảy mỗi tuần.
Bắt đầu từ chiều thứ Sáu, đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Mường… từ khắp các nẻo đường, các bản làng xa xôi như Mùa Xuân, Xía Nọi, Ché Lầu… lại vượt suối, băng dốc để xuống trung tâm bản Na Mèo để kịp dự phiên chợ cuối cùng của năm. Người và xe ở các huyện dưới xuôi cũng như ở bên nước bạn Lào cũng tấp nập mang hàng hóa đến chợ.
Hàng chăn, vải được nhiều thiếu nữ ghé thăm.
Anh Thao Văn Đua (dân tộc Mông, ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, Quan Sơn) cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến phiên chợ Tết, mình lại xuống chợ để sắm đồ về đón xuân. Vì đường xa, nên mình phải đi từ chiều hôm trước để cho kịp phiên chợ buổi sáng thứ Bảy. Giờ thì mình đã mua được thuốc lào cho bố, quần áo mới cho con trai và bánh kẹo cho ngày Tết rồi”.
Tuần nào cũng vậy, từ 6h30’ sáng thứ Bảy, Trạm Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo bắt đầu mở cửa để đón những người dân từ Lào sang chợ mua bán và vui chơi. Trong phiên chợ xuân cuối cùng của năm, người đi chợ đông hơn, lượng hàng hóa phong phú, đa dạng hơn, tất cả đều mang đặc trưng riêng của mỗi dân tộc Việt - Lào: Từ những chiếc chiếu nhựa, quần áo, vải vóc, đến những con gà, con lợn cắp nách, hay vài con dúi, con sóc người dân bắt được ở rừng từ ngày hôm trước, tất cả đều được đưa đến chợ để bán vào mỗi dịp cuối tuần.
Giỏ đựng cơm của người Lào được tết bằng cật vầu rất tinh xảo.
Mặc dù hàng hóa không đa dạng, phong phú như dưới xuôi, nhưng người đến chợ thì rất đông. Dọc theo những quầy hàng trong chợ, những khách hàng người Việt cũng như người Lào mua bán tấp nập, trên gương mặt ai ai cũng rạng rỡ đến lạ kỳ.
Có lẽ vui nhất vẫn là đám trẻ nhỏ, cả đêm háo hức dậy sớm để theo bố mẹ đi chợ, để tha hồ ngắm nhìn những đồ chơi ngộ nghĩnh, lạ mắt và được diện những bộ quần áo mới mà bố mẹ vừa mới mua.
Ở chợ Na Mèo, người ta có thể sử dụng cùng một lúc hai loại tiền: Việt Nam đồng và tiền kíp Lào. Ông Hà Thanh Sơn (dân tộc Thái, bản Sộp Huối, xã Na Mèo) cho biết: Khi mua bán hàng hóa, người mua thanh toán bằng tiền Việt hay tiền Lào đều được. Điều đặc biệt hơn, dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng ai cũng có thể mua hàng hóa mình cần, bằng cách ra hiệu các ngón tay để phát giá sản phẩm. Ở chợ Na Mèo, hầu như không có việc mặc cả hay trả giá. Mua được hay không cũng đều rất nhẹ nhàng, vui vẻ.
Hàng thổ cẩm của người Thái được bán ở chợ Na Mèo.
Người dân đến Na Mèo không đơn thuần chỉ là mua bán, sắm sanh các vật dụng cần thiết, mà dường như đã trở thành một nhu cầu tất yếu. Chị Khăm Lanh (ở Bản Lơi, huyện Viêng Xay, Hủa Phăn, Lào) tâm sự: “Đi chợ phiên Na Mèo đối với chúng tôi như đi hội vậy. Nhiều khi đi chợ cũng chỉ mua vài mớ rau, dăm ba lạng thịt…, nhưng vui nhất là được trò chuyện, gặp gỡ với anh em, bè bạn sau một tuần lao động vất vả”.
Chợ Na Mèo không đơn thuần là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu, nơi thanh niên nam nữ từ các bản làng xa xôi hẹn hò, tìm bạn. Những ngày cận Tết, đêm ở cửa khẩu Na Mèo tưng bừng lạ thường.
Đến giữa buổi trưa, chợ vãn, hầu như ai cũng đã tìm mua cho mình những đồ cần thiết và chuẩn bị ra về. Người ở bản xa thì nhanh chân về sớm cho kịp về nhà trước khi trời tối, người ở gần thì dùng dằng như muốn níu giữ thời gian để cho phiên chợ được lâu hơn, cho niềm vui được trọn vẹn hơn. Những cái bắt tay thật chặt, họ hẹn nhau ở phiên chợ đầu xuân năm sau.
Dưới đây là một số hình ảnh phiên chợ Na Mèo ngày cuối năm do PV Dân Việt ghi lại:
Chợ Nam Mèo được xây dựng lại khang trang, đẹp đẽ.
Cá rô phi được nhiều người mua về để ăn Tết.
Đồ gia dụng được bày bán ở chợ Na Mèo.
Du khách phương Tây cũng đến chợ Na Mèo.
Thiếu nữ Lào đến chợ.
Những nam thanh, nữ tú đến phiên chợ cuối năm.
Chân gà nướng là món khoái khẩu của nhiều thiếu nữ đến chợ Na Mèo.
Đôi vợ chồng trẻ người Mông địu cả con xuống chợ.
Con dúi rừng được bán với giá 200.000 đồng/ kg.
Sóc rừng cũng được bày bán ở chợ.