Trong 6 tháng đầu năm đã hình thành một mặt bằng giá mới cao hơn dự đoán. Tháng 7 tới, chỉ số giá tiêu dùng có thể tiếp tục tăng cao do giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm biến động mạnh. Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lo ngại mùa mưa bão có thể gây gián đoạn nguồn cung hàng hóa và tình trạng tăng giá cục bộ tại một số địa phương là rất cao. Ngoài ra, chu kỳ tăng giá hàng hóa vào cuối năm là khó tránh khỏi.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Kinh tế quốc dân) đưa ra dẫn chứng, hiện nay, đã có sự thay đổi về cung - cầu hàng hóa giữa các khu vực và các vùng trong nước. Chẳng hạn, giá thịt lợn ở miền Bắc cao hơn miền Nam vào đầu tháng 7, một lượng hàng hóa lớn từ miền Nam vận chuyển ra miền Bắc gây tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Dự báo diễn biến thị trường giá cả trong 2 quý cuối năm, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn "khá phức tạp".
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị - ông Vũ Vinh Phú đề xuất giải pháp cho mục tiêu kiềm chế giá những tháng cuối năm thông qua việc nâng cao hiệu quả đầu tư của nhà nước, kiên quyết xóa bỏ chính sách 2 giá manh nha từ những điểm bán hàng bình ổn giá hiện nay. Theo đánh giá của ông Phú, thực tế hàng bình ổn giá đang phục vụ không đúng đối tượng cần hỗ trợ, ép giá mua, giá bán duy trì cơ chế xin cho, bị tư thương lợi dụng, thao túng giá gây thiệt hại cho xã hội.
Đứng ở góc nhìn khác, TS Trần Nguyên Nam - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, mặt bằng lãi suất còn duy trì ở mức cao, nhập siêu lớn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần tập trung kiểm soát chặt chẽ, tính toán hợp lý chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán cho các tháng cuối năm phù hợp với diễn biến thị trường, vừa đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo mục tiêu đề ra là 20%. Tránh tình trạng dồn cục vào cuối năm sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Phương Hà