Dân Việt

Agribank giúp dân vươn khơi bám biển

Hoàng Anh 11/02/2016 08:00 GMT+7
Xác định cho ngư dân vay đóng tàu không chỉ là hoạt động kinh doanh thông thường mà còn trở thành nhiệm vụ chính trị của các NHTM, nên thời gian qua, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định 89/2015/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, hệ thống NH đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương giải ngân chương trình cho vay này. Và Agribank cũng không là một ngoại lệ.

Với kế hoạch ưu tiên  dành trên 5000 tỷ đồng cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ, đến nay nhờ đồng vốn của Agribank, nhiều con tàu mới  được đóng từ nguồn vốn vay của ngân hàng đã được hạ thủy.

Trong quá trình triển khai cho vay, ngành NH cũng ghi nhận một số địa phương đã rất tích cực triển khai ngay khi có Nghị định của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan nên bước đầu chương trình tín dụng này đã đạt được kết quả nhất định tại nhiều tỉnh như Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Nam Định, Tiền Giang, Quảng Bình, Nghệ An, Bình Thuận, Quảng Trị.

img

Con tàu gỗ 67 mang tên Agribank Thanh Hóa

Sau gần 5 tháng thi công, con tàu vỏ gỗ mang biển số TH93168 với công suất máy 829 CV và nhiều trang thiết bị hiện đại, tổng kinh phí đóng mới 8,5 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của chính phủ do Agribank Thanh Hóa cho vay là 6 tỷ đồng đã hoàn thành và chính thức vươn khơi. Xúc động tại buổi lễ hạ thủy, ông Trịnh Ngọc Thanh,Giám đốc Agribank tâm sự “ sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 67 của chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực của các ngành, chính quyền địa phương các cấp đã đạt được một số kết quả tốt.

Chúng tôi cũng thông qua đài phát thanh và truyền hình Thanh Hóa; đài truyền thanh các huyện, xã; thông qua cuộc họp giao ban của Ban tuyên giáo tỉnh ủy để tuyên truyền chính sách cho vay theo Nghị định 67 của chính phủ. Tổ chức phối hợp các cấp hội, đoàn thể in ấn tờ rơi để tuyên truyền đến khách hàng, người dân về chính sách ưu đãi của nhà nước cũng như các điều kiện, thủ tục vay vốn đóng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ”.

Phía Agribank Thanh Hóa cũng đã phân công cán bộ xuống các xã làm việc trực tiếp với chủ tàu có nhu cầu vay vốn theo Nghị định 67, chủ tàu đủ điều kiện thì hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp xã, cấp huyện.

Tại Agribank chi nhánh Thanh Hóa, các chi nhánh loại 3 vùng ven biển và thành phố đã tổ chức tiếp cận khách hàng theo danh sách phê duyệt của UBND tỉnh, tổ chức đoàn lãnh đạo Agribank tỉnh và lãnh đạo, chuyên viên 5 Agribank cơ sở đi học tập kinh nghiệm công tác cho vay đánh bắt xa bờ tại Agribank huyện Quỳnh Lưu – tỉnh Nghệ An; làm việc với một số nhà máy đóng tàu để tìm hiểu các mẫu tàu; định mức kinh tế kỹ thuật, phương pháp cho vay và quản lý vốn để cán bộ có thêm kiến thức giới thiệu, tư vấn cho ngư dân và phục vụ công tác thẩm định cho vay được thuận lợi, nhanh chóng.

Đến nay, tổng số tàu UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 03 đợt là 55 tàu. Trong đó, tàu khai thác hải sản xa bờ là 42 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá 13 chiếc. Số khách hàng Agribank tiếp cận là 40 chiếc bao gồm 12 tàu hậu cần và 28 tàu khai thác đánh bắt. Đến ngày 30/11/2015, có 04 chi nhánh là: Hội sở, Nghi Sơn, Hoằng Hóa và Hậu Lộc đã cho vay được 06 khách hàng (1 tàu dịch vụ hậu cần, 5 tàu đánh bắt xa bờ), trong đó 4 tàu vỏ sắt, 2 tàu vỏ gỗ, tổng số tiền phê duyệt cho vay là 68, 51 tỷ đồng và dư nợ đã giải ngân được 30,82 tỷ đồng.

“Tàu 67 “ ra khơi chuyến đầu đã có lãi

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Agribank Chi nhánh Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay đã có 6 chủ tàu được UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt vay vốn đóng mới bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo NĐ 67, trong đó có 03 vỏ tàu gỗ được vay vốn của Agribank Thừa Thiên Huế. Thông qua những ngư dân được vay vốn đóng tàu, Agribank Thừa Thiên Huế đã góp phần đem một luồng gió mới cho chính sách phát triển theo NĐ 67 ở địa phương này.

Chúng tôi gặp ngư dân Trần Quân ở thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An. Anh Quân cho biết được Agribank huyện Phú Vang cho vay hơn 7 tỷ đồng đóng mới tàu vỏ gỗ theo nguồn vốn tín dụng ưu đãi NDD67. Công ty TNHH đóng tàu An Thuận sau bốn tháng tập trung mọi nguồn lực với đội ngũ thợ lành nghề đã sớm hoàn thành  con tàu gỗ cho anh Quân như kế hoạch ban đầu để ra khơi.

Tàu cá vỏ gỗ của ngư dân Trần Quân có chiều dài 25m, rộng 7m, cao 3,2m, công suất 700CV. Tổng kinh phí đóng mới và trang bị ngư lưới cụ hơn 9,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay theo NĐ 67 là 70%, số còn lại 30% vốn là của ngư dân tự bỏ ra làm đối ứng. Ngư dân Trần Quân cho biết dù đã sở hữu hai chiếc tàu đánh bắt xa bờ, nhưng khi có chính sách hỗ trợ của Chính phủ, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn đóng mới chiếc tàu cá công suất lớn và lắp đặt các trang thiết bị hiện đại để bám biển dài ngày.

Trước đó, cũng tại thị trấn Thuận An, hai chiếc “tàu 67” đầu tiên của ngư dân huyện Phú Vang được hỗ trợ đóng mới bằng vốn vay ưu đãi qua Agribank huyện Phú Vang. Đó là tàu dịch vụ nghề cá kết hợp đánh bắt xa bờ của ngư dân Nguyễn Văn Hóa, thôn Tân Bình, thị trấn Thuận An có công suất 480CV, với tổng chi phí 4,1 tỷ đồng, cũng được hạ thủy ra khơi đánh bắt chuyến cá đầu tiên.

Con tàu cá vỏ gỗ công suất 700CV của ngư dân Phan Văn Chinh, trú thôn Vinh Hải, thị trấn Thuận An có tổng kinh phí đầu tư gần 7.9 tỷ đồng ( trong đó vốn đối ứng 2,3 tỷ đồng) được đóng hoàn thành vào đầu năm 2015. Tàu dài 22m, trở thành chiếc “tàu 67” bằng gỗ có công suất lớn đầu tiên không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà của cả nước.

Tàu cá của anh Chinh đã có những chuyến biển đầu tiên. Chỉ hơn 10 ngày ra khơi, tàu đánh bắt được gần 20 tấn cá các loại. Cá đưa vào bờ còn tươi nhờ bảo quản tốt, bán được giá thu chừng 300 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí xăng dầu, anh Chinh còn lãi gần 200 triệu đồng. Anh Chinh nói, chuyến biển vừa rồi chỉ là thử nghiệm nên chưa thật sự vươn khơi. Nhưng chuyến sau sẽ cho tàu vươn khơi đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hiệu quả hơn

Tàu dịch vụ lớn nhất tỉnh Quảng Trị

Có thể nói, Nghị định 67 thật sự là cú hích để Agribank phát triển mạnh hơn nữa trong đầu tư vào nông nghiệp nhất là thủy sản. Ngay từ khi NĐ 67 ra đời, Agribank Chi nhánh Quảng Trị xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọngđối với ngân hàng có vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Sau mấy tháng triển khai thực hiện NDD67, Agribank Chi nhánh Quảng Trị đã ký hợp đồng cho vay đối với 03 dự án đóng mới tàu vỏ thép và 01 dự án đóng tàu vỏ gỗ cho khách hàng hai huyện Gio Linh và Triệu Phong.

Chủ tàu Võ Văn Hữu ở thị trấn biển Cửa Việt huyện Gio Linh được vay 95% của dự án, số tiền 18,25 tỷ đồng, đóng tàu vỏ thép công suất 1.200 CV làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Tàu được đóng tại Công ty TNHH Đóng Tàu Cửa Việt. Đây là chiếc tàu cá vỏ thép lớn nhất tỉnh Quảng Trị và có thể lớn nhất  nước với những chiếc tàu được đóng theo NDD67. Theo thiết kế tàu dài 35m rộng 7,2, riêng 3 khoang chứa cá có thể tích gần 300 m3, tầm hoạt động 1.500 hải lý, dữ trự nhiên liệu hoạt động đến 30 ngày trên biển.

Ông Hữu là khách hàng truyền thống của Agribank Gio Linh có kinh nghiệm khai thác biển hơn 20 năm nay. Hai chủ tàu còn lại là anh Võ Minh Bình ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh vay 12,45 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép. Anh Nguyễn Văn Hóa ở thị trấn Cửa Việt vay 12,45 tỷ đồng cũng đóng tàu vỏ thép. Ngư dân Võ Minh Bình cho biết anh là khách hàng lâu năm của Agribank huyện Gio linh “ làm nghề biển luôn sóng gió, không có sự vào cuộc của ngân hàng thì một mình ngư dân không thể thực hiện được ước mơ đổi đời”

Bình Thuận dẫn đầu cả nước về giải ngân ngư dân vay vốn

Triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về việc giải ngân cho ngư dân vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá, đến nay đã hạ thủy được 14 tàu công suất lớn. Tất cả những con tàu này đã và đang hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Thuận Phạm Văn Trịnh cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, UBND tỉnh Bình Thuận đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thủy sản tỉnh (gọi là Ban Chỉ đạo 67). Các thành viên trong Ban Chỉ đạo làm việc kiêm nhiệm định kỳ tổ chức họp, kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện. Phê duyệt các danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. Việc phân công nhiệm vụ cho từng thành viên được rõ ràng, tách bạch.

Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Bình Thuận vào cuộc rất tích cực bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp các ban, ngành chức năng trong tỉnh tổ chức các buổi tọa đàm tuyên truyền, tư vấn về chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. Giúp ngư dân hiểu được chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho việc đóng tàu công suất lớn để vươn khơi xa, cũng như các quy trình, hồ sơ, thủ tục vay đóng mới và nâng cấp tàu cá.

Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai thực hiện, ngư dân nhiều địa phương trong tỉnh đã nộp đơn đăng ký vay vốn đóng tàu. Đến hết tháng 10, Bình Thuận đã có 130 chủ tàu đăng ký vay vốn theo Nghị định 67 được UBND tỉnh phê duyệt, nhiều nhất là ngư dân huyện đảo Phú Quý và thị xã La Gi. Trên cơ sở danh sách này, các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh đã tiếp cận, hướng dẫn thủ tục cho 127 chủ tàu vay vốn theo quy định.

Phó Giám đốc Agribank Bình Thuận Huỳnh Tấn Nam cho biết, để giúp ngư dân biết về điều kiện vay, trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ vay, ngân hàng đã thành lập các tổ công tác tại các chi nhánh, phòng giao dịch, cử những cán bộ chuyên trách, hiểu sâu, nắm rõ chính sách tín dụng theo Nghị định số 67 trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục vay vốn theo quy định. Tạo điều kiện cho ngư dân được vay ở mức cao nhất có thể.

Đến nay, trong số các chủ tàu được ngân hàng tiếp cận, hướng dẫn, đã có 36 hồ sơ vay vốn nộp cho ngân hàng và có 20 hồ sơ được Agribank Bình Thuận thẩm định, ký hợp đồng cam kết cho vay tín dụng với tổng số tiền hơn 114,9 tỷ đồng. Ngân hàng đã giải ngân được hơn 81,5 tỷ đồng, trong đó cho vay đóng mới hai tàu dịch vụ hậu cần với số tiền hơn 19,3 tỷ đồng; đóng mới 18 tàu khai thác hải sản xa bờ với số tiền gần 62,2 tỷ đồng. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong số 25 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Nghị định 67, đến hết tháng 10-2015, Bình Thuận cùng với Tiền Giang là hai tỉnh dẫn đầu trong việc giải ngân cho ngư dân vay vốn.

Ông Đặng Bi, thôn Phú Long, xã Long Hải, huyện Phú Quý, chủ tàu cá BTh 97887 TS công suất 500 CV hành nghề câu khơi, được Agribank Phú Quý ký hợp đồng cho vay 3,42 tỷ theo Nghị định 67 cho biết, từ khi hạ thủy đến nay, tàu của ông đã đi đánh bắt được hai chuyến ở vùng biển Trường Sa. Bình quân mỗi chuyến đi biển từ 25 đến 30 ngày. Mỗi chuyến đánh bắt được hơn 13 tấn cá hồng, cá mú… bán được gần 900 triệu đồng. Ông Bi cũng cho biết thêm, trước đây ông có một tàu cá công suất 200 CV cũng hoạt động ở vùng biển Trường Sa. Do tàu nhỏ cho nên hiệu quả một chuyến đi biển lúc cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 400 đến 500 triệu đồng. Bây giờ có tàu công suất lớn, doanh thu một chuyến đi biển cao gần gấp hai lần. Hiện, tàu đang đi chuyến thứ ba, hoạt động tại khu vực đảo Đá Đông, huyện đảo Trường Sa.

Tàu cá BTh 97539 TS của ông Nguyễn Tiến ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh được Agribank Phú Quý cho vay 4,8 tỷ đồng, là tàu vỏ gỗ phủ composite chuyên thu mua hải sản xa bờ (ngư dân Phú Quý thường gọi là tàu đông). Trong chuyến đi biển tháng 10 vừa qua ở khu vực nhà giàn DK và cũng là chuyến thứ ba, tàu của ông thu mua được khoảng 15 tấn hải sản, chủ yếu là mực, cá với giá trị hơn 1,1 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, còn lãi hơn 400 triệu đồng. Ông cho biết, được ngân hàng cho vay có thời hạn 11 năm, nếu kết quả khai thác cứ thuận lợi như vậy, thì chỉ khoảng bốn đến năm năm là có thể trả hết cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng. Hiện, ông cùng với gia đình và các cổ đông đang làm các thủ tục tiếp tục vay vốn để đóng thêm tàu khai thác xa bờ. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Tạ Minh Nhựt cho biết, thấy được hiệu quả từ những con tàu 67 đã hoạt động, nhiều ngư dân Phú Quý đang tích cực hoàn thiện các hồ sơ để xúc tiến vay vốn đóng tàu. Dự kiến, đến cuối năm 2015, sẽ có bốn đến năm tàu đóng mới tiếp tục được hạ thủy