Là Ngân hàng Thương mại Nhà nước gắn bó đồng hành cùng “Tam nông”, Agribank ngay lập tức vào cuộc, triển khai thí điểm một cách bài bản, hiệu quả, góp phần tạo nền tảng phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp.
Tiên phong cho vay thí điểm
Cho vay đối với mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao là định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng và Chính phủ. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để giúp nông sản nước ta phát triển, tránh khỏi tình trạng “được mùa rớt giá”, tăng sức cạnh tranh với hàng hóa nông sản nước ngoài, mở rộng xuất khẩu…, đồng thời đây cũng chính là “lối thoát” cho tín dụng tam nông hiện nay và cả trong tương lai.
Liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ cao là hình thức mới trong sản xuất nông nghiệp được Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều thành phần tham gia nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, chất lượng cao, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới…
Nhận thức rõ điều này, Agribank ngay lập tức vào cuộc, triển khai hình thức cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như: trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La)… Qua kết quả bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa doanh nghiệp và người dân.
Đến nay, trong số 13 dự án của 13 doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm trên toàn quốc, riêng Agribank đã đầu tư 8 dự án. Tổng dư nợ Agribank cho vay thí điểm đạt trên 418 tỷ đồng. Lãi suất ngắn hạn hiện áp dụng là 6,5%/năm. Lãi suất trung hạn hiện áp dụng là 9,5%/năm, một số dự án có lãi suất thấp hơn, ở mức 6%/năm.
Cùng với các chi nhánh trong hệ thống triển khai hiệu quả, bài bản thí điểm cho vay chuỗi liên kết như Agribank Lâm Đồng, Agribank Cần Thơ, Agribank An Giang, Agribank Quảng Ninh, Hải Phòng… Tại Ninh Thuận, Agribank Ninh Thuận tham gia cho vay thí điểm theo chuỗi bước đầu đạt được những kết quả rất khả quan. Triển khai cho vay theo mô hình Chuỗi liên kết, cả doanh nghiệp, người dân và ngân hàng đều hưởng lợi.
Theo ông Nguyễn Đăng Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giống cây trồng Nha Hố (Ninh Thuận) – doanh nghiệp được vay vốn theo Nghị quyết 14/NQ-CP từ Agribank Ninh Thuận, đến nay, Công ty cổ phần giống cây trồng Nha Hố đã được vay 28,45 tỷ đồng từ Agribank Ninh Thuận để triển khai sản xuất lúa giống và ngô giống. Số vốn này chủ yếu là vay tín chấp.
Doanh nghiệp được hưởng lợi từ vay theo Nghị quyết 14/NQ-CP đó là được hỗ trợ một phần lãi suất và hạn mức vay cao hơn trước. Hiện nay, tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận có rất nhiều ngân hàng mời chào vay vốn, nhưng Công ty cổ phần giống cây trồng Nha Hố chỉ vay vốn của Agribank do lãi suất thấp và Agribank luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Từ nay đến hết năm 2016, Công ty cổ phần giống cây trồng Nha Hố sẽ tiếp tục vay vốn của Agribank để liên kết sản xuất với HTX, nông dân trên 4 tỉnh thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Đối với các hộ sản xuất, tham gia chuỗi liên kết cũng mang lại cho họ lợi nhuận nhiều hơn. Theo ông Thới Trưởng (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận), tổ liên kết sản xuất ngô giống của gia đình ông với Công ty cổ phần giống cây trồng Nha Hố có diện tích lên tới hơn 100 ha.
Công ty vừa cung cấp giống đầu vào, phân bón, vừa bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao khiến nông dân rất phấn khởi và tin tưởng. Giá ngô giống được công ty thu mua với giá 8.600 đồng/kg, có năm lên tới 9.600 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân lãi trung bình 60-70 triệu đồng/ha... Còn ông Đỗ Ngọc Ba (thôn Nha Hố 2, xã Nhân Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) cho rằng, nhờ sản xuất lúa giống cho Công ty cổ phần giống cây trồng Nha Hố mà đời sống của gia đình ông không còn bấp bênh như trước, thu nhập lãi khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ...
Riêng đối với ngân hàng, cho vay theo mô hình Chuỗi liên kết đem đến những thuận lợi cho hoạt động thanh toán, thu nợ, giám sát dòng tiền. Sau hơn 01 năm triển khai Nghị quyết 14/NQ-CP, chương trình cho vay thí điểm theo chuỗi đã đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ.
Liên kết tốt để đón bắt cơ hội thị trường
Có thể nhận thấy rõ, việc ban hành và triển khai thực hiện cho vay thí điểm đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong suốt những năm trước đây đối với cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng tăng tính chủ động đối với các thành phần tham gia chuỗi liên kết. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những vướng mắc, khó khăn nhất định, như về vấn đề lãi suất, tài sản đảm bảo khoản vay, tính liên kết, sự phối hợp… giữa các bên tham gia.
Hầu hết doanh nghiệp và ngân hàng thương mại tham gia chương trình đều phản ánh mức lãi suất hiện tại của chương trình không thực sự hấp dẫn. Doanh nghiệp muốn lãi suất ưu đãi hơn nữa, trong khi đó, Agribank đã phải tự cân đối trong hệ thống để có thể cho vay với mức lãi suất 6-6,5%/năm. Do đó, Agribank rất mong muốn có sự hỗ trợ tài chính từ phía NHNN. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Nam - Phó Giám đốc Agribank Ninh Thuận cho rằng, lãi suất cho vay theo Nghị quyết 14/NQ-CP chưa thật hấp dẫn. Agribank Ninh Thuận đồng thuận với chủ trương của NHNN Việt Nam và Agribank về việc thực hiện cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/ NQ-CP ngày 05/03/2014 của Chính phủ. Tuy nhiên để Chi nhánh làm tốt hơn nữa, cải thiện lãi suất đầu ra đề nghị NHNN Việt Nam, Agribank cấp bù lãi suất chênh lệch giữa cho vay theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 05/03/2014 của Chính phủ và lãi suất cho vay theo Nghị định 55.
Cùng với vấn đề lãi suất, những khó khăn về tài sản đảm bảo khoản vay cũng là một trong những lý do khiến doanh nghiệp “e dè” khi tiếp cận vốn ưu đãi theo Nghị quyết 14/NQ-CP. Từ thực tế triển khai cho thấy, trường hợp khách hàng không đủ tài sản bảo đảm cho khoản vay mà Chi nhánh kiểm soát được dòng tiền theo chuỗi liên kết thì Chi nhánh có thể xem xét trình Tổng Giám đốc phê duyệt áp dụng cho vay không có tài sản bảo đảm.
Chuỗi liên kết là mô hình người dân và doanh nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp trong dây chuyền sản xuất – chế biến – tiêu thụ, còn ngân hàng là đầu mối cung ứng và phân phối tiền. Các mô hình triển khai thành công trong thực tế đã giúp người dân và doanh nghiệp rút ngắn thời gian sản xuất kinh doanh, hạn chế tối đa các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt, đồng thời giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí giao dịch và quản lý dòng tiền hoàn hảo…
Với mong muốn tập trung đẩy mạnh đầu tư mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ, thời gian tới đây, Agribank tiếp tục tập trung nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt chú trọng đầu tư vào các mô hình liên kết chuỗi giá trị, đưa tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 75%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Agribank xác định doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và người nông dân là đối tượng phục vụ chính.
Agribank cam kết tiếp tục là ngân hàng chủ lực trong kết nối triển khai chương trình đầu tư cho vay vào các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp; đồng thời đảm bảo việc phối hợp triển khai giữa các chi nhánh Agribank trên toàn quốc sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp, hộ nông dân, chủ động về vốn để đầu tư các mô hình liên kết chuỗi để kết nối triển khai, cũng như sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các ngân hàng tham gia triển khai mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với mong muốn góp phần triển khai thành công, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết, nông nghiệp công nghệ cao, đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, Agribank rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, NHNN cùng các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể, kế hoạch triển khai cụ thể và đặc biệt sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp và người dân.
Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh: Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Agribank đó là cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông” thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp… Đồng thời, Agribank đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn…; Trong đề án tái cơ cấu, Agribank cũng đang đề xuất Thống đốc NHNN cho triển khai mô hình “điểm giao dịch” và “Ngân hàng lưu động” để đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn với chi phí thấp hơn. |