Dân Việt

Chuyện làm giàu đầu xuân: Thu 1,5 tỷ đồng/năm từ sản xuất cây, con giống

Võ Văn Dũng 09/02/2016 07:50 GMT+7
Hai con lợn đực được ông Sơn đưa từ rừng về thuần hóa 3 năm trước. Từ đây, ông cho ra những lứa lợn rừng giống làm mê mẩn biết bao khách hàng.

Người cựu binh ấy, dù không có một ngày được học kiến thức về nông nghiệp nhưng lại đang rất thành công với việc cho ra đời những cây, con giống tốt, khỏe mạnh. Ông là Trần Công Sơn, chủ trang trại Sơn Nhung tại xã Thanh Mỹ, Thanh Chương, Nghệ An.

img

Ông Sơn bên đàn lợn rừng giống.

Thuần hóa lợn rừng

Ở Thanh Chương, Trần Công Sơn được gọi là “gã gàn” bởi ông dám bỏ cả đống tiền mua lợn đực, ba ba hoang dã trong rừng về thuần hóa để sản xuất con giống. Thế nhưng, phía sau biệt danh ấy, nhiều người phải ngả mũ thán phục bởi ông đã làm được những điều không tưởng.

Khi ông còn công tác trong quân ngũ, vợ ông đã có trong tay một trang trại tổng hợp rộng chừng 1 ha. Nhưng trước đây mọi cây, con đều nuôi, trồng theo lối quảng canh, hiệu quả kinh tế thấp. Đàn lợn rừng chủ yếu nuôi nhốt trong chuồng kín, thả ra ngoài môi trường là còi cọc, sức sinh sản kém, nhiều con chết; giá bán thấp, khách hàng chê ỏng, chê eo. Đã nhiều phen vợ ông mất cả chì lẫn chài vì đàn lợn rừng.

Một ngày, ông bắt gặp tay thợ săn đem bán một con lợn đực rừng chừng 15 kg, chân bê bết máu. Dù tay thợ săn “hét” giá 6 triệu đồng nhưng ông vẫn quyết dốc hầu bao mua bằng được về làm giống.

“Vợ con tôi phản đối kịch liệt, nhiều người bảo tôi hâm vì giá lợn rừng cùng lắm cũng chỉ tầm 200.000 đ/kg vậy mà tôi mua đến 400.000 đ/kg”, ông Sơn trải lòng.

Những ngày sau đó mới thực sự là ác mộng đối với ông. Con lợn rừng không chịu ăn bất cứ một thứ đồ ăn gì, đến đêm thứ 2 thì nó phá chuồng vọt lên núi biến mất. Tiếc của, mọi người tỏa ra đi tìm nhưng không thấy tăm hơi. Mất tong 1 tháng lương hưu, xót của nhưng đổi lại ông Sơn đã nhận được một bài học.

Biết tiếng người lính già “chịu chơi”, một số thợ săn mang lợn còn dính bẫy đến tận nhà bán. Lần này, ông sửa sang lại chuồng nuôi nhốt, hàn khung sắt kiên cố. Ông nghĩ, trong môi trường tự nhiên, lợn rừng chỉ ăn các loại thức ăn tươi sống. Muốn nó thích nghi với thức ăn do con người tạo ra phải có thời gian. Phải mất 4 - 5 tháng cho ăn thịt gà, trứng gà, vịt, rắn rết, những con lợn đực rừng mới bắt đầu nhỏm nhẻm ăn các thức ăn nấu chín. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ vài tháng sau, chúng lồng lên như bị chọc tiết rồi thổ huyết, lăn đùng ra chết.

“Trước đây, chủ yếu vẫn là nuôi trồng quảng canh, chưa tính toán kinh tế chi ly nên hiệu quả kinh tế còn thấp. Hết năm nay, việc chi phí đầu tư xây dựng kiến thiết cơ bản cũng sẽ giảm, nếu thuận lợi gia đình tôi có thể thu lãi ổn định trên dưới 1 tỉ đồng/năm.” - Ông Trần Công Sơn.

Những tưởng mất hàng chục triệu đồng vào “trò chơi” may rủi sẽ khiến ông Sơn nản chí nhưng cái máu “chơi ngông” đã thấm vào từng thớ thịt của người cựu binh này. Lần này, ông mua được 1 đôi lợn rừng, mỗi con chừng 20 kg.

Nhìn thấy người, chúng hung dữ như đang sọc tiết lên não, lông dựng đứng, mắt long sòng sọc. Không chần chừ, ông dốc tiền mua một lúc 2 con về thuần hóa.

Ban đầu ông cho ăn bằng thức ăn tươi sống, sau đó trộn dần các thức ăn chín, đánh dấu con đực số 1, số 2. Định kỳ, ông gây mê, sau đó tiếp cận chữa vết thương và các bệnh ghẻ lở, trừ ve vét cho lợn. Chúng rất hung dữ, kể từ khi được đem về đến nay đều phải nhốt trong chuồng sắt kín. Khi lợn cái động dục, ông cho chúng giao phối. Thế nhưng nhiều lần, bản năng hung dữ của lợn đực rừng trỗi dậy đã cắn chết con cái ngay khi vừa tiếp xúc.

Ông Sơn quan sát và thấy chúng cũng có quy luật... tình cảm. Với những con lợn cái ngay từ đầu đã lấy được “cảm tình” từ lợn đực thì chúng vẫn giao phối bình thường. Ông lấy con đực giống số 1 phối giống với lợn rừng thuần chủng Thái Lan. Ông tạm gọi con của cặp đôi này là F1. Sau đó, lấy con đực số 2 phối giống với các con cái F1. Với cách phối giống chéo, ông đã tạo ra

những con lợn giống, lợn thương phẩm khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng, đáp ứng được nhu cầu con giống của nhiều trang trại lợn rừng trong tỉnh và một số tỉnh bạn.

Nhà sản xuất cây, con giống

Mục đích sản xuất ra cây con giống của ông Sơn khiến không ít người được đào tạo hẳn hoi trong ngành nông nghiệp ngỡ ngàng. “Với tôi, sản xuất thương phẩm ra cây con gì thì phải sản xuất được giống đó. Mục đích là để giảm chi phí đầu vào. Như vậy chủ trang trại mới thu được lợi nhuận cao”, ông Sơn chia sẻ.

Thực ra, từ năm 1999, ông Sơn đã từng nuôi ba ba thương phẩm. Lúc đó, giống ba ba rất khan hiếm, nên ông phải mua con giống trôi nổi về nuôi. Có thời điểm, mỗi con ba ba gai giống lên đến cả nửa chỉ vàng ta. Nhưng tỷ lệ ba ba sống rất thấp lại chậm lớn nên nhiều phen ông thua lỗ. Dành nhiều thời gian xem các chương trình, đọc thông tin về con giống nhưng ông vẫn không tìm được nguồn cung con giống chất lượng.

Điều đáng nói, kích thích ba ba sinh sản dường như là bài toán không có lời giải cho các chủ trang trại thời điểm bấy giờ. Sau nhiều lần vào Nam, ra Bắc, ông quyết về tìm cách làm cho ba ba phải sinh sản được. Ông tìm các thợ săn rừng, đặt hàng những con ba ba có gốc gác trong những khu rừng khác nhau về thả vào hồ. Mỗi con ba ba như vậy, ông phải trả không dưới 6 triệu đồng.

“Lúc đầu, chúng chết cũng nhiều vì chưa quen môi trường nhưng dần dà, quen với thức ăn và môi trường sống, ba ba phát triển rất nhanh khiến tôi cũng bất ngờ. Chúng tìm đến các bãi cát nhân tạo để đẻ trứng và cho ra những lứa ba ba con đẹp đến ngỡ ngàng. Đến năm 2014, tôi đã có 10 cặp ba ba bố mẹ, sức sinh sản lên đến hàng nghìn con mỗi năm. Với ba ba thương phẩm, mỗi năm tôi xuất 4 - 5 tạ. Cũng như lợn đực rừng, con ba ba đã cho tôi rất nhiều bài học về sự kiên nhẫn, chịu khó học hỏi”, ông Sơn chia sẻ.

Cuối năm 2014, vợ chồng ông Sơn thầu thêm 1,5 ha đất, xây dựng trại nuôi gà rộng 500m2. Trang trại của ông ngoài việc sản xuất ra giống gà bản địa cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh còn thực hiện ý tưởng xây dựng thương hiệu gà đồi Thanh Chương.

img

Chủ trang trại Sơn Nhung và đàn gà thương phẩm.

Ngoài diện tích chuồng trại, khoảng 2.000m2 ao hồ thả 200 con vịt trời, số còn lại ông trồng ngô vừa để làm thức ăn cho gà, lợn vừa tạo thành “địa bàn” để gà thương phẩm trú ngụ, dạo chơi, tìm kiếm thức ăn.

Ông Sơn cho biết: “Khi gà đã được phòng một số loại vacxin và đủ lớn, tôi thả chúng vào vườn ngô. Cách làm này giúp gia đình tôi không mất công làm cỏ ngô, gà lại nhặt được cỏ, sâu bọ, giảm lượng thức ăn cung cấp, được “thả bộ” mỗi ngày nên chất lượng thịt thơm ngon hơn gà nuôi nhốt cho ăn bằng thức ăn công nghiệp”.

Mỗi năm, trại gà của ông cung cấp cho thị trường 1 tấn gà thịt, 6 vạn con gà giống. Hiện ông Sơn là thành viên của dự án phát triển thương hiệu gà đồi Thanh Chương. Với vai trò của mình, sắp tới, ông sẽ là nhà cung cấp gà giống cho các hội viên được hưởng lợi từ dự án.

Ngoài việc sản xuất con giống, thương phẩm lợn rừng, ba ba, gà, trang trại tổng hợp Sơn Nhung còn trồng rất nhiều loại cây đặc sản như hồng vuông không hạt, bưởi Phúc Trạch, bưởi hồng Quang Tiến, trám đen…

Ông Sơn cho biết, tất cả các loại cây đặc sản này, sau khi đem về trồng được một thời gian, ông đã mày mò, chiết, ghép và cho ra giống cây tốt, chất lượng không thua kém nhiều so với giống gốc.

Ngoài làm giàu cho gia đình, trang trại tổng hợp Sơn Nhung còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trang trại Sơn Nhung thu về trên 1,5 tỷ đồng/năm; số lãi ròng trên 500 triệu đồng. Đây là một mô hình mẫu được rất nhiều đoàn công tác của tỉnh, các chủ trang trại đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.