Dân Việt

Du học sinh Việt và trải nghiệm ăn tết xứ người

Tú Oanh 09/02/2016 10:27 GMT+7
Tết Nguyên Đán là thời điểm mọi người tạm dừng mọi công việc, về quê quây quần bên gia đình. Nhưng với du học sinh, điều giản dị ấy cũng trở nên xa vời.

Những ngày cuối năm, các chuyến xe chở người về quê ăn tết lại đông đúc, nhộn nhịp. Ai sinh sống, làm việc ở đâu cũng tạm gác mọi bộn bề lo toan để trở về sum họp cùng gia đình.

Tuy nhiên, với du học sinh, khoảnh cách địa lý chính là trở ngại lớn nhất. Họ vẫn có những cái tết của riêng mình, nhưng lại thiếu đi không khí tết quê nhà.

Mạnh Hùng: Tết chỉ quanh quẩn trong nhà

img

 Mạnh Hùng (bên trái) trong ngày khai giảng ở Nhật.

Năm nay là lần đầu tiên trong đời Võ Thành Mạnh Hùng (SN 1993, quê Hà Tĩnh), đang học tiếng tại trường Nishi thuộc tỉnh  Fukuoka (Nhật Bản), ăn tết xa nhà.

Ở Nhật Bản, người dân đón tết theo dương lịch. Hùng cho biết, ngày đầu năm ở Nhật mọi người ăn chè với hy vọng thêm một năm may mắn, thuận lợi. Hai ngày nghỉ ở nhà, Hùng và bạn cùng phòng tổ chức ăn uống đơn giản, rồi về phòng nghỉ ngơi.

“Mọi năm tết đến, mình phụ giúp bố mẹ mua đồ, làm gà, dọn nhà; đi chúc tết họ hàng, thầy cô; tụ tập bạn bè... Năm nay, không khí không có, bình thường đi học và làm thêm bận rộn, chỉ muốn ở nhà. Kể ra cũng buồn!”, Hùng chia sẻ.

Tết Nguyên Đán gần kể, Hùng dự tính xin nghỉ làm thêm cùng bạn bè gặp gỡ, ăn uống. Tuy nhiên, chàng trai 23 tuổi cho hay, không dám vui chơi quá đà vì ngày hôm sau còn đi học, đi làm.

 Ngọc Thảo: Đầy đủ nhưng vẫn thiếu...

img

Thảo gói bánh chưng đón tết ở Pháp.

Giống như Hùng, năm nay, Nguyễn Thị Ngọc Thảo (SN 1992, ở TP.HCM) lần đầu đón tết xa nhà. Thảo hiện đang theo học Thạc sĩ Luật tại trường ĐH Toulouse 1 Capitole ở Toulouse (Pháp).

Thảo cho biết, người Pháp xem trọng lễ Giáng Sinh hơn. Tết dương tổ chức khá đơn giản, năm nay không có pháo hoa nên hầu như không cảm nhận được không khí năm mới, chỉ có quán bar là đông vui nhất.

“Năm nay, mình đón tết xa nhà đầu tiên cùng Hội Sinh viên Việt Nam tại Toulouse. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chương trình đón tết của Hội phải đến 27/2 (20/1 âm lịch) mới diễn ra, trễ hơn nhiều so với Tết Nguyên Đán trong nước. Vào đúng ngày, có thể mình sẽ mời bạn bè đến nhà cùng tổ chức bữa tiệc nho nhỏ”, Thảo chia sẻ.

Kế hoạch là vậy, Thảo vẫn cảm thấy có gì đó trong trọn vẹn vì thiếu đi không khí rộn ràng, tất bật ngày cuối năm từ trong nhà ra ngoài phố. Thảo tâm sự: “Bên này mọi thứ đầy đủ, nhưng không thể bì với tết ở quên nhà. Đến khi xa rồi, mình mới thấy tiếc quãng thời gian êm ấm bên gia đình”.

Hoài Nam: Nhìn ảnh gia đình thấy nhớ nhà 

img

Hoài Nam ở Đức.

Gần hai năm xa nhà, Trần Thị Hoài Nam (SN 1991, quê Hà Tĩnh), du học sinh Việt tại Đại học Göttingen (Đức), sắp đón cái tết thứ hai ở xứ người.

Theo Hoài Nam, người Việt ở Đức đón tết theo dương lịch, cũng sửa soạn, dọn mâm cỗ, bánh chưng và đón pháo hoa như ở Việt Nam. “Còn tết âm, nếu trúng vào ngày nghỉ thì còn chút ít cảm giác đón giao thừa; nếu ngày thường, mọi người vẫn đi làm, đi học; chỉ khác là trên bàn ăn có thêm dưa hành, bánh chưng”, Hoài Nam kể.

Tết âm năm ngoái, Hoài Nam xin nghỉ phép, về nhà người quen đón năm, đến giao thừa thì gọi điện chúc mừng bố mẹ và hai em. “Bọn mình hưởng không khí tết qua chương trình trên VTV 4. Buổi tối, nhìn ảnh em gái chụp gia đình quây quần, mình bỗng dưng thấy trống trải”, Hoài Nam chia sẻ.