Dân Việt

Hạt gạo Việt giữa vòng quay hội nhập

GS. Võ Tòng Xuân 10/02/2016 09:30 GMT+7
Từ năm 2014 đến nay, gạo Việt Nam dần bị cạnh tranh bởi gạo Campuchia và Myanmar ở những thị trường truyền thống và khó tính như EU. Nhân năm hết Tết đến, chúng tôi bày tỏ nỗi lo về hạt gạo Việt Nam, mong rằng các doanh nhân có tâm và tầm với nông nghiệp sớm chung tay vào chuỗi giá trị hạt gạo để chiến thắng trong thời kỳ hội nhập.

img

Ảnh minh họa.

Gạo Việt Nam phải cạnh tranh ngay trên sân nhà

Tại sao thị trường quốc tế thích gạo Thái Lan, gạo Campuchia, gạo Myanmar hơn gạo Việt Nam? Vì sao nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích ăn gạo Thái và trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Nhật? Bởi gạo của họ ngon cơm hơn, thơm hơn, bởi trái cây của họ an toàn hơn hẳn.

Nông dân Việt Nam vì muốn đạt sản lượng cao nên bất chấp khuyến cáo của các chuyên viên kỹ thuật chân chính, dùng nhiều hóa chất độc hại lên cây trồng và vật nuôi, gây ô nhiễm đất, nước và khí quyển, hại cho sức khỏe bản thân và sức khỏe của cộng đồng, chi phí sản xuất lại cao.

Bà con nông dân tự do trồng, tự do áp dụng nông dược, không ai kiểm soát, khi thu hoạch có thương lái đến mua và trộn chung các loại lúa rồi bán cho doanh nghiệp (DN) chế biến gạo. Như vậy không thể nào DN truy nguyên được nguồn gốc, và do đó không thể đăng ký thương hiệu gạo. Sản xuất gạo như vậy chỉ có thể là gạo cấp thấp mà thôi.

Gần đây, một số DN muốn bán gạo ngon và có mùi thơm, nên đặt hàng cho thương lái thu mua gạo chất lượng cao hơn, giống Jasmine từ Mỹ du nhập vào Việt Nam trên 20 năm nay. Nhưng giống này là giống không ổn định, nên nhiều cơ quan chọn giống đã chọn nhiều dòng Jasmine, làm cho khách hàng bị mua lầm.

Nông dân và các DN không thể thờ ơ khi mà hạt gạo Việt Nam "thua ngay trên sân nhà”. Vì thế, cần xác định chiến lược phát triển gạo hợp lý nhất.

Như đã đề cập ở trên, nước ta chỉ chú trọng lúa cao sản ngắn ngày, quên mất các giống lúa cổ truyền ngon cơm và có hương vị thơm đặc trưng, tuy năng suất không cao nhưng giá trị cao. Đây là hướng đi mà Campuchia đã thực hiện 5 năm qua.

Cơ quan nghiên cứu lúa của họ, được tài trợ bởi Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC - một bộ phận của Ngân hàng Thế giới) với sự tham gia chuyên môn của Trung tâm Quốc tế nghiên cứu nông nghiệp Úc (ACIAR) tập trung chọn dòng thuần từ 2 - 3 giống lúa ngon, thơm nhất để xuất khẩu.

Họ tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị: nhân các giống thuần đã chọn, giao cho nông dân trồng, chọn một số doanh nhân để huấn luyện và cho vay vốn xây dựng cơ sở chế biến gạo hiện đại. Các cơ sở này gắn kết với nông dân vùng lúa nguyên liệu qua hợp đồng sản xuất.

Nước ta có nhiều giống lúa mùa địa phương như Nàng Thơm, Nàng Hương, Châu Hạng Võ, Huyết rồng, Nanh chồn... có thể được bình tuyển giống thuần đặc sản của từng vùng cung cấp cho nhiều thị trường khó tính.

Nhiều giống lúa cao sản hơi dài ngày ngon cơm, hơi thơm của Đồng bằng sông Cửu Long có thể được bình tuyển ngay để chọn ra 2 - 3 giống chủ lực mang thương hiệu của nhiều DN Việt Nam.

Nhiều giống lúa cao sản ngắn ngày gạo hạt dài trắng trong có thể được bình tuyển ngay để chọn ra 2 - 3 giống chủ lực gạo cấp thấp có thương hiệu.

Chẳng hạn, giống lúa Japonica thuần hóa cung cấp cho thị trường có nhu cầu gạo Nhật; giống nếp cao sản hạt dài hoặc hạt tròn loại Japonica có thể cung cấp cho mọi thị trường, đông đảo khách hàng trong nhóm thu nhập thấp ở Malaysia, Philippines, Indonesia và nhiều nước châu Phi.

Những vấn đề nêu trên đây không có gì mới lạ. Chính các nước láng giềng của Việt Nam đã thực hiện và họ đã đạt kết quả mà ta đang mong đợi.

Rõ nhất là trường hợp của Campuchia, nhờ các giống lúa mùa địa phương của họ đã được chọn dòng thuần, tuy năng suất không cao nhưng ít sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu bệnh, nên khá an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hai đến ba giống lúa thuần này đã được nông dân và DN liên kết sản xuất, chế biến trong các nhà máy hiện đại, đưa gạo có thương hiệu của Campuchia đi giới thiệu khắp các thị trường, và nhất là tham dự hội chợ lương thực thế giới.

Việt Nam không có các giống lúa ngon, thơm kiểu Thái Lan và Campuchia, nên cần tập trung vào loại gạo cấp thấp và gạo đặc sản khác, sản xuất theo chuỗi giá trị để có thương hiệu, được giá cao như trước đây trong những năm 1993- 1994 mà Công ty gạo Việt Mỹ (ARI RICE) đã làm như thế với giống lúa IR64, một giống lúa cao sản ngắn ngày hạt dài trắng trong, để xuất khẩu được 350 USD/tấn.

Trong khi đó, cũng với giống IR64 của thương lái giao cho các công ty lương thực chế biến chỉ xuất bán được 180 USD/tấn vì gạo IR64 này lẫn lộn nhiều giống, không thương hiệu.

Nói rõ hơn: với giống lúa cấp thấp như IR64 nếu được sản xuất theo chuỗi giá trị thì sẽ đạt chất lượng và giá cao.

Nhiều giống lúa mùa địa phương đặc sản nếu được trồng theo qui trình và điều kiện hữu cơ đã được thực nghiệm thành công thì Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường gạo hữu cơ đang ngày càng có nhiều khách hàng trên thế giới.

Gạo cấp trung bình (ngon cơm nhưng chỉ hơi thơm) cần cho thị trường các quốc gia đang phát triển, khi đời sống kinh tế của người dân ngày càng khá giả.

Những bất cập phải sớm khắc phục

Nhanh chóng chấm dứt tình trạng hỗn loạn về giống lúa: Thiết lập danh sách quốc gia về các loại gạo Việt Nam được phép sản xuất để xuất khẩu. Nhà nước cần thiết lập hệ thống giống lúa quốc gia có đầy đủ đặc điểm cạnh tranh như đã nêu trên đây.

Cấp kinh phí cho một số cơ quan đã có kinh nghiệm trong chọn tạo giống để thực hiện nhanh việc bình tuyển giống lúa.

Từ kết quả bình tuyển này, Việt Nam sẽ có bộ giống quốc gia (Gạo Việt). Nhà nước thiết lập tiêu chuẩn lý hóa sinh của từng giống lúa này để các DN ngành lúa gạo cũng như nông dân có cơ sở khoa học theo đúng chuẩn mà sản xuất cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Chấm dứt tình trạng DN xuất khẩu mua lúa hoặc gạo nguyên liệu trôi nổi bị trộn lẫn nhiều loại qua thương lái: Mỗi DN xuất khẩu gạo có vùng nguyên liệu riêng do các HTX nông nghiệp hoặc trang trại lúa cung cấp.

DN cần có khu chế biến gạo được trang bị máy móc hiện đại, gắn liền với vùng HTX của nông dân chuyên sản xuất loại lúa do DN đặt hàng.

DN cung cấp đúng giống lúa trong danh sách quốc gia cho HTX và cùng nhà khoa học nông nghiệp huấn luyện quy trình kỹ thuật nông nghiệp cao (GAP) cho nông dân xã viên.

Chấm dứt tình trạng nông dân mạnh ai nấy sản xuất lúa một cách tự phát: Nông dân nào muốn làm giàu nhờ tham gia vào thị trường quốc tế phải gia nhập HTX nông nghiệp. Mỗi HTX liên kết với DN lúa gạo, và chỉ trồng giống lúa quốc gia do DN đặt hàng, áp dụng qui trình GAP đã thiết lập phù hợp cho vùng đất đai của mình.

Chấm dứt tình trạng Nhà nước mặc cho nông dân và DN "tự bơi": Nhà nước phải nhanh chóng thiết lập trật tự về giống cây trồng, vật nuôi.

Bằng nhiều chính sách khuyến khích, Nhà nước làm cho nông dân thấy vào HTX có lợi hơn là làm ăn riêng lẻ trên đất đai manh mún với "kỹ thuật lão nông" không thích hợp qui trình GAP.

Nhà nước giúp DN tiếp cận những ưu đãi về vốn để thiết lập cơ sở chế biến hiện đại và vốn liên kết với HTX nông nghiệp. Nhà nước hỗ trợ DN tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước để tìm thêm thị trường cho nông sản.