Dân Việt

Tết giàu tết nghèo, mở lòng mà sống

Hà Phạm 10/02/2016 13:26 GMT+7
Tết là thời điểm tiêu tiền dễ dãi, kể cả người nghèo, nếu nguời nghèo cũng có chút tiền trong túi.

Mươi lăm năm trước, có khi lâu hơn thế, lúc những hàng thịt chó ở Nhật Tân đang vào thời kỳ phồn thịnh nhất, những ngày giáp tết này trên mạn ấy đông nghịt. Người người đi ăn tất niên thịt chó xả xui cho cả năm, rồi người người ăn thịt chó xong tiện thể đi ngắm đào, ngắm quất và chọn đào, chọn quất. Mùi chả chó, mùi thịt chó thui rơm ngạt ngào cả đoạn đường bày hoa đào. Cái thanh cái tục chen lấn nhau như thế một cách xô bồ mà chẳng mấy ai bực bội.

Cái công thức thịt chó cộng hoa đào ấy giờ vẫn tồn tại, nhưng ở một đoạn khác của thành phố, chỗ Mai Động xuống Lĩnh Nam. Hàng thịt chó nhiều hơn Nhật Tân, san sát nhau, bàn để vỉa hè bày chó sống chó chín và quất đào cũng xấu hơn vì chủ yếu là quất đào Hà Nam, Nam Định chuyển lên. Thế mới biết cái sự hưởng thụ của người Thủ đô về cơ bản không thay đổi là mấy, chỉ có dễ dãi đi. Sự dễ ấy khéo đã thành truyền thống.

img

Tết thời bao cấp. (Ảnh tư liệu)

Thời bao cấp, vào nhà nào ngày Tết, ngoài cành đào thường cũng có một lọ hoa cắm theo công thức chung: thược dược, violet, đồng tiền và lay dơn. Cứ nghĩ mãi không ra vì sao có công thức cắm hoa ấy. Hoa như mớ cắm trong một cái lọ thủy tinh, gốm hay pha lê gì cũng được, có gì dùng nấy, nhồi nhét chật chội. Cái lọ hoa ấy, trông nó dễ dãi kinh khủng. Nó như đồng phục vào cái thời tết những năm tháng ấy.

Sau bao cấp, giàu có lên, kỳ hoa dị thảo nhiều lên, người ta quên lãng lọ hoa thời bao cấp rồi bỏ bẵng nó trong nhiều năm, giờ phục hồi lại. Mấy năm nay violet rồi thược dược được trồng lại nhiều. Nhiều nhà tết đến lại trưng một lọ như thế, đủ cả mấy thứ hoa, như thể hồi cố, như thể nhớ nhung kỷ niệm. Xấu đẹp thôi thì tùy mắt người. Giờ nhìn thấy lọ hoa ấy cũng rực rỡ và vui mắt, nhưng có bắt tôi cũng chẳng thích hoa thược dược. Nó như người đàn bà phốp pháp vận đồ Quảng Châu lòe loẹt, cũng gọi là có sắc nhưng ít duyên.

Năm nay, vài năm nay đúng hơn, rộ lên mốt chơi hồng, hồng cổ nghĩa đen, nghĩa là cây hồng nhiều tuổi, giống hồng người Pháp từng trồng tại Sapa. Một gốc hồng cổ đắt gấp mấy lần gốc đào cổ thụ cũng chặt từ miền Tây bắc về, giá cao nhất từng được nghe cho một gốc hồng là 50 triệu đồng. Tết thời nào cũng là lúc được bày tỏ những thú chơi, và luôn luôn, người ta chuộng sự đắt tiền.

 Tết là thời điểm tiêu tiền dễ dãi, kể cả người nghèo, nếu nguời nghèo cũng có chút tiền trong túi. Trong cái việc tìm kiếm sự sang trọng rất dễ dãi ngày tết, người ta bỏ tiền để ăn (tất nhiên để biếu nhiều hơn), những con gà Đông Tảo giá trên triệu đồng một cân, hoặc mua một cây nho nhỏ nấm bonsai linh chi  giá cũng hàng  triệu đồng… Đấy là mới kể những thú vui tương đối bình dân. Đắt tiền phải kể đến những chai rượu trên 50 triệu đồng uống vèo là hết. Có tiền chơi chẳng sao, nhưng chơi mà cứ theo mốt thì sự chơi ấy cũng coi là sự dễ.

Dễ nhất khi nói về Tết, nhiều người cứ đem sự giàu nghèo ra so sánh. Xã hội phân hóa giàu nghèo rõ rệt, chuyện ấy là sự thật. Nhưng có tiền chơi Tết không phải một cái tội, nếu tiền thu nhập bất chính mới cần lên án. Người mua bỏ cả chục triệu ra mua một cái cây, thì người bán nhận được tiền ấy để thoát nghèo. Tết là lúc xã hội dễ dãi với nhau nhiều hơn ngày thường. Những sự dễ ấm lòng. Năm nay, không phải một mà nhiều trường đại học mở ký túc xá sinh viên trong tết làm chỗ ở tạm cho những người vô gia cư. Chăn nệm ấm, có chỗ trú chân mấy ngày Tết, nguời vô gia cư chắc chắn đỡ tủi.

Dễ, hay mở lòng mà sống cho qua một tết, điều ấy thú vị và cần thiết biết mấy khi nhìn quanh, khó khăn mọi mặt vẫn chất chồng.