Người dân đi lễ chùa những ngày đầu năm để thể hiện lòng thành kính với Thánh, Phật, cầu tài, cầu lộc, cầu hạnh phúc... Tuy nhiên, nhiều người dân lại xin lộc bằng cách dùng tay, tiền lẻ xoa chân tượng trong đền, chùa đến nhẵn bóng, rồi dùng chính đôi bàn tay và những tờ tiền đó xoa lên mặt, mũi mình với hy vọng năm mới phát tài, nhiều lộc, gặp nhiều may mắn.
Chiều 12/2 (mùng 5 Tết Bính Thân), theo ghi nhận tại chùa Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội - một trong tứ trấn của Hà Nội), hàng nghìn người đến thắp hương, cầu khấn. Đây là một nét đẹp truyền thống từ xưa đến nay của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về.
Người dân đổ về đây với mong muốn được bình an, làm ăn phát đạt, cầu tài, cầu lộc...
Dưới chân tượng rải đầy tiền lẻ, đặc biệt đôi bàn chân tượng Trấn Vũ nhẵn bóng. Bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,96m, nặng 4 tấn, tọa trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2m. Được đúc vào năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677) đời Lê Hy Tông.
Theo quy định của đền Quán Thánh, cấm người dân sờ vào các hiện vật hay dùng tiền lẻ xoa lên tượng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân vẫn dùng tay, tiền lẻ xoa lên chân tượng Trấn Vũ khiến chân tượng nhẵn bóng, khác hẳn với phần còn lại của bức tượng.
Sau màn cầu khấn, người dân chen nhau đến bên đôi bàn chân tượng để cầu may bằng cách dùng tay ôm, xoa mạnh khắp bàn chân tượng. Người thì xoa thoáng qua, người thì giữ một lúc, mồm lẩm bẩm cầu khấn.
Có người dùng một tờ tiền, người dùng cả xấp tiền lẻ xoa khắp bàn chân tượng.
Đôi bàn chân tượng nhẵn bóng theo thời gian vì bị vuốt đi vuốt lại nhiều lần.
Sau khi xoa tay và tiền lẻ lên chân tượng, họ lại xoa lên mặt mũi mình cầu may, mong "hưởng sái lộc" từ các vị thần, thánh.
Có người lại cố chen lên cao, xoa lên phần ống chân tượng rồi dùng tiền xoa lên mặt mình.
Một số em nhỏ sau khi xoa tiền lên chân tượng xong cũng bắt chước người lớn dùng tiền xoa lên mặt.
Không chỉ xoa lên chân tượng cầu may, người dân còn xoa lên cả 2 cây đèn đồng trong đền. Thả tiền lẻ xung quanh.
Dùng tiền chà mạnh khắp thân cây đèn đồng cầu tài lộc.
Tiền lẻ rải khắp mọi nơi trong đền.