Tiếp bài trước, Báo điện tử Dân Việt xin giới thiệu bài viết thứ hai trong loạt bài về chợ Viềng xưa của thầy giáo Nguyễn Quốc Văn, nguyên giáo viên Văn trưởng THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định.
>> Bài trước: Ký ức chợ Viềng xưa của thầy giáo Văn trường Lê Hồng Phong
Độc đáo Phở trâu chú Lềnh
Người người đổ về chợ Viềng. Ảnh: Báo Hải quan.
Mặt trời dần dần đứng bóng. Bố tôi mời: "Trưa rồi, con xin phép đãi cụ bữa rượu nhạt, liệu có được chăng?". Ông lão xua xua tay: "Tôi có cơm nếp nắm đây, nếu ông không chê, ta cùng ăn cho vui...".
Bố tôi từ chối khéo rồi dẫn tôi đến một quầy phở quen. " Phở chú Lềnh nhá", bố nói và chẳng chờ tôi đồng ý, kéo tôi ngồi xuống ghế. Người hàng phở nhận ra bố tôi trước, chào: " Ông cho cháu đi chơi chợ ạ? Quý hóa qúa... Ông vẫn lấy phở trâu ạ!".
Rồi chú Lềnh thoăn thoắt băm băm thái thái trên một cái thớt. Âm thanh của tiếng dao thớt trong phiên chợ Giềng náo nức lạ, nghe y như một lời mời mọc xoắn xuýt của người hiếu khách. Loáng một cái đã thấy chú Lềnh bê phở tới. Bố tôi gọi thêm cút rượu Kiên Lao. Tôi húp xùm xụp, mũi ngây ngất hít vị phở quê. Ngon ơi là ngon! Thấy vậy, bố tôi nháy mắt, ra ý bảo chú Lềnh làm thêm cho tôi một bát nhỏ. Còn bố tôi, người chậm rãi rót rượu vào cái ly mắt trâu màu da lươn, đưa lên mắt ngắm. Rồi người khum tay che miệng, mặt hơi ngửa lên trời, uống cạn một lần...
Về sau, đi nhiều nơi, ăn nhiều chốn, kể cả những chốn có tiếng tăm, tôi vẫn không sao tìm được hương phở chú Lềnh bán ở phiên chợ Viềng.
Nước dùng trong veo, bánh thái to, mỏng trắng, trên xếp những lát thịt trâu luộc mỏng tang chen những cọng lá mùi cằn...Có lúc, tôi cố tưởng tượng mình đang ngồi trong một túp lều dựng vội, xung quanh kẻ đứng người ngồi, chan chan húp húp, í ới gọi thêm đồ nhắm... song vẫn không thể naò tóm được kỉ niệm cũ! Nghe nói chú Lềnh đã dọn lên tỉnh ở. Tiếc rằng tôi không rõ là lên tỉnh nào...
Đặc sản thịt bê thui ở chợ Viềng. Ảnh: Thể thao & Văn hóa
Ăn uống xong, hai bố con chen chúc mãi mới tới được nơi bà và u tôi bán hàng. Hai người đang ngồi bên một mẹt bánh đúc chấm mắm tôm. Bà tôi hỏi hai bố con đã ăn gì chưa. Dù bố tôi nói là đã cho tôi ăn no uống đủ rồi, bà vẫn mua cho tôi một đệp cháy bánh đúc. Tôi đưa đệp bánh lên miệng, cắn từng miếng nhỏ. Mùi vôi nồng nàn, ngai ngái...
Chờ cho u tôi ăn xong, bố tôi hỏi: "Trâu nhà ta năm nay có được giá không?". U tôi bảo: " Được giá, tôi bán rồi !". " Sao lại bán? Mà tôi có dặn u nó bán đâu !". U tôi cười: " May mà tôi không nghe ông. Ông bảo cứ được ba nghìn thì bán. Người ta trả con trâu nhà ta tới những bốn nghìn cơ...". "Thế con trâu đâu?", bố tôi hỏi. "Nó kia. Bà mua cho nó cái bánh chưng. Aân hết, nó cứ nghé ọ, nghé ọ mãi. Tôi đành vơ cả đống lá dong đem đến cho nó nhai, nó mới chịu nằm yên một chỗ đấy"...
Bà tôi nói: " U mỏi chân rồi. Con trâu cứ để đấy u coi cho. Các con nên dẫn thằng cu dạo thêm một vòng chợ nữa, kẻo năm có một lần, nó phí đi". Nghe bà nói phải, u tôi cầm tay tôi đi hết hàng này đến hàng nọ. Bố tôi tủm tỉm cười đi bên cạnh, nhắc u tôi mua cho bà cái khăn mỏ qụa, sắm cho tôi đôi dép cao su... Lúc sắp trở về, bố đến bên quầy bán thịt bê thui mua ngay miếng lớn nhất.
Cho mãi đến khi trời tối mịt, cả nhà tôi và con trâu thân thuộc mới về tới nhà. U tôi lội vội xuống ao nhổ một mớ rau cần. Tôi được bố sai đi mời cụ đồ Bỉnh (thầy dạy chữ nho của bố) và mấy người chú họ sang uống rượu.
Mảnh trăng non đã hé. Buổi uống rượu họa thơ duy nhất trong năm cũng bắt đầu. Bóng cụ đồ nghiêng xuống bóng bố tôi. Bóng các chú tôi nghiêng xuống bóng tôi, cái bóng như còn cả hơi hướng của chợ Viềng mồng tám tháng Giêng...
>> Bài tiếp<< Ký ức chợ Viềng xưa: Nao lòng “Nhớ ngày mồng 8 về chơi chợ Viềng”