Bulgary
Vào ngày 14.2, người Bulgary thường tổ chức Ngày Thánh Trison Zarejan, còn được biết đến là Ngày làm rượu (Winermaker Day). Các cặp đôi sẽ tổ chức cho người tình của mình bằng một hoặc hai ly rượu chính hiệu do Bulgary sản xuất.
Argentina
Người Argentina bên cạnh lễ tình nhân Valentine họ còn có nguyên một tuần trong tháng 7 để tổ chức Tuần lễ Ngọt ngào, theo đó những nụ hôn sẽ được mọi người trao cho nhau như một cử chỉ ngọt ngào, lãng mạn.
CH Séc
Những năm gần đây, ngày Valentine đã trở nên phổ biến ở CH Séc nhưng những cặp đôi yêu nhau ở quốc gia này vẫn có riêng ngày lễ tình nhân truyền thống vào ngày 1.5.
Thời gian này, nhiều cặp đôi sẽ hành hương đến bức tượng nhà thơ Karel Hynek Mácha trong Công viên Petrin và trao nhau nụ hôn dưới gốc cây anh đào với ý nghĩa sẽ mang lại may mắn cho năm mới.
Pháp
Lễ Thánh Valetine ở Pháp diễn ra từ ngày 12 – 14.2, còn có tên gọi là Ngôi làng tình yêu khi mọi thứ được trang trí để trở nên lãng mạn: Nhà cửa được trang trí với hoa hồng, cây cối gắn những lời cầu chúc tình yêu, các cặp đôi cũng sẽ trồng một cây tình yêu cho riêng mình trong ngày này.
Rumani
Người Rumani có ngày lễ tình nhân với tên gọi Dragobete, hay còn được biết đến là Ngày đính hôn của những chú chim, diễn ra vào ngày 24.2. Đây là sự kết hợp giữa ngày Valentine với lễ mừng đón xuân. Các chàng trai và cô gái cùng đi vào rừng hái hoa, sau đó cùng rửa mặt với tuyết để mong có sức khỏe và hạnh phúc.
Hàn Quốc
Những cặp đôi yêu nhau ở Hàn Quốc tổ chức lễ tình nhân cho người mình yêu vào các ngày 14 hàng tháng chứ không chỉ riêng tháng Hai. Những ngày này có tên gọi riêng như Ngày hoa hồng tháng Năm, Ngày nụ hôn tháng Sáu, Ngày cái ôm tháng 12 và Ngày đen tối tháng Tư. Trong khi những người độc thân cũng tụ tập nhau và ăn món mì đen Jajangmyeon.
Brazil
Ngày tình yêu của người Brazil có tên gọi Dia dos Namorados, được tổ chức vào ngày 12.6. Ngày tiếp theo là Ngày Thánh Anthony, vị thánh bảo trợ cho hôn nhân. Những cô gái độc thân sẽ thực hiện nghi thức Simpatias hay đồng cảm với hy vọng họ sẽ lấy chồng vào năm sau.
Người Mèo ở Trung Quốc
Đối với tộc người Mèo ở phía Tây Trung Quốc, họ có Lễ hội Bữa ăn chị em gái. Theo đó phụ nữ sẽ nấu một loại cơm nhiều màu sắc, được bọc bằng lụa và dành cho những chàng trai họ muốn cầu hôn. Mục đích của mối quan hệ mà các cô gái mong muốn sẽ được thể hiện thông qua những vật dụng đi kèm với cơm màu: Hai chiếc đũa nghĩa là yêu, một nhánh tỏi nghĩa là không có tình cảm cho dù mối quan hệ đó chưa bắt đầu.
Xứ Wales
Người dân xứ Wale tổ chức lễ tình nhân vào ngày 25.1, với tên gọi Ngày Thánh Dwynwen. Trong ngày này, các cặp đôi trao cho nhau chiếc thìa gỗ được chạm khắc tinh xảo, được biết đến là “Thìa tình yêu”. Đây vốn là một nghi thức truyền thống mà những người yêu nhau dành tặng người mình thương, có nguồn gốc từ thế kỷ 16.
Philippines
Ngày Valetine là thời điểm diễn ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đám cưới ở Philippines. Sự kiện quy mô này thường được chính phủ tài trợ dưới dạng một dịch vụ xã hội, giúp gắn kết các đôi tình nhân đến với nhau, vừa hạnh phúc, vui vẻ và đầy ý nghĩa cũng như tiết kiệm.
Nam Phi
Người dân Nam Phi có lễ tình nhân mang tên Lupercalia, bắt nguồn từ một lễ hội của La Mã cổ đại. Theo đó, những người phụ nữ trẻ sẽ gắn tên người đàn ông mình ngưỡng mộ trên tay áo và hy vọng chàng trai sẽ để ý và có tình cảm với mình. Người Nam Phi cũng tặng hoa, kẹo và ăn tối cùng nhau.
Valencia, Tây Ban Nha
Người dân Valencia đón ngày lãng mạn nhất dành cho tình yêu là ngày 9.10 hàng năm, với tên gọi Ngày Thánh Dionysius, vị thánh bảo hộ tình yêu. Điểm nhấn của ngày này là các lễ hội và diễu hành được tổ chức hoành trang, các chàng trai sẽ tặng người yêu món Mocadora, bánh hạnh nhân như một biểu tượng của tình yêu.
Trung Quốc
Người Trung Quốc có ngày Lễ Thất tịch, diễn ra vào ngày 7.7 âm lịch. Ngày lễ này bắt nguồn từ câu chuyện tình trong truyền thuyết về cặp đôi Ngưu Lang – Chức Nữ, vì yêu nhau nhưng không đến được với nhau, chỉ được phép gặp nhau duy nhất một lần trong năm vào ngày 7.7. Các cặp yêu nhau lấy ngày này làm ngày thể hiện tình yêu với người thương. Trong khi những người độc thân sẽ chuẩn bị hoa quả với hy vọng có được tình yêu trong tương lai, còn các cặp yêu nhau cầu nguyện hạnh phúc, phát tài.
Estonia
Ở Estonia (Bắc Âu), ngày Valentine được xem là “Ngày của tình bạn”, có tên gọi Sobrapaev. Đường phố được trang hoàng bằng những quả bóng bay hình trái tim… Các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè có thể đi chơi trong ngày này. Tương tự người Phần Lan cũng tổ chức ngày lễ này với tên gọi Ystävänpäivä.
Ghana
Tại Ghana, bắt đầu từ ngày 14.2.2007, ngày Valentine được xem là Ngày Sôcôla Quốc gia nhằm đẩy mạnh du lịch với mục đích biến Ghana trở thành quốc gia sản xuất coca lớn nhất thế giới. Trong ngày này, các cửa hàng, bảo tàng trên khắp quốc gia châu Phi này đều trưng bày các mẫu sôcôla tuyệt đẹp.
Nhật Bản
Tại Nhật Bản, các cô gái lại là người tặng quà (chủ yếu sô cô la) cho chàng trai mà mình thầm thương trộm nhớ. Theo đó, phụ nữ thường tự tay làm các món quà bằng sôcôla để trao gửi cho người thương. Ngược lại, vào ngày Valetine trắng(14.3), các chàng trai sẽ đáp lễ cho bạn gái.
Đức
Trong tiếng Đức, ngày này có tên là Valentinstag. Tuy nhiên, có một vài tục lệ đặc biệt gồm hình ảnh chú lợn – biểu tượng may mắn và ham muốn. Các mặt hàng trang trí hình lợn được tìm thấy ở khắp nước Đức. Ngoài ra, người Đức cũng làm những bánh quy gừng quá khổ với thông điệp tình yêu phủ bên trên.
Thụy Điển
Ngày lễ Valentine trong tiếng Thuỵ Điển có tên gọi Alla hjärtans dag hay All Heart’s Days (Ngày của những trái tim). Lễ hội này người Thuỵ Điển thường phát cuồng với rất nhiều kẹo ngọt, bưu thiếp, hộp socola và cả hoa. Ngày lễ này được phát động bởi ngành công nghiệp hoa vào những năm 1960 và đơn thuần chỉ vì mục đích thương mại.