Manila sẽ tiếp tục phản đối
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario lên tiếng chỉ trích rằng, phản ứng kiểu này sẽ khiến Trung Quốc không thể chứng minh được chủ quyền của mình trên Biển Đông dựa trên luật pháp đã được quốc tế công nhận.
Cùng ngày, một quan chức ngoại giao cấp cao của Philippines cho biết, nước này sẽ kêu gọi các quốc gia láng giềng thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có quan điểm kiên định trước "những hành động đe dọa và hung hăng" của Trung Quốc tại khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer (trái) cho rằng, Trung Quốc đã vi phạm Công ước về Luật Biển của LHQ. |
Trong cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN sắp diễn ra tại Bali của Indonesia, Manila sẽ một lần nữa bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc đã ít nhất 10 lần xâm nhập lãnh hải Philippines. Theo nhà ngoại giao nói trên, Ngoại trưởng Rosario sẽ nhấn mạnh sự cần thiết đối với nhận thức của ASEAN về tái khẳng định sự tôn trọng cũng như cam kết đối với vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông.
Trung Quốc vi phạm UNCLOS
Trong khi đó, một bài viết vừa được mạng YaleGlobal thuộc Trường Đại học Yale (Mỹ) công bố cho thấy, Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông của Học viện Quốc phòng Australia khẳng định, Trung Quốc không hề tôn trọng Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà nước này đã ký. Giáo sư Carl Thayer không ngần ngại tố cáo: “Trung Quốc đã bác bỏ hiệp định của LHQ khi áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.”
Theo Giáo sư Thayer, UNCLOS - có hiệu lực vào năm 1996 - là một cơ chế pháp lý toàn cầu, được hình thành trên cơ sở một sự thỏa hiệp tinh tế giữa các nước ven biển và các quốc gia sử dụng biển, sao cho quyền lợi mỗi bên đều được bảo đảm.
Trong bài viết nói trên, Giáo sư Thayer khẳng định Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi bất chấp đòi hỏi của các nước ven biển khác đệ trình chính thức tấm bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn hình chữ U (đường lưỡi bò), cố tình giữ mập mờ về các tọa độ địa lí chính xác của các đường này... Trung Quốc đã lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế do các nước ven biển trong khu vực thiết lập.
Theo ông Thayer, vấn đề Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở của UNCLOS, nếu không khu vực này lại lâm vào tình trạng kẻ mạnh chèn ép kẻ yếu và việc Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà” sẽ làm suy yếu một chế độ pháp lý quốc tế đang đóng góp cho trật tự toàn cầu.
Trong khi đó, Mark Valencia - một chuyên gia phân tích chính sách hàng hải và là cựu chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii - cũng đồng quan điểm với ông Thayer khi cho rằng các hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông nhằm áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ không chỉ vi phạm rõ ràng bản Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), đã được nhất trí một cách chính thức, mà có thể còn phản ánh một thực tế khác: “Trung Quốc không nhất trí với nhiều nội dung trong UNCLOS mà nước này đã phê chuẩn”.
Quang Minh