Làng Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) nằm ở ven đô Hà Nội. Trước đây, làng từng được coi là “vựa lúa” lớn nhất của Thủ đô. Những người dân nơi đây sản xuất ra những hạt gạo ngon nổi tiếng mà đến tận bây giờ người ta vẫn lưu truyền câu ca: “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh- Cót” nhằm ca ngợi hạt gạo làng Tây Mỗ.
Với cư dân nông nghiệp thì hạt gạo chính là “hạt ngọc”, thứ bình dị nhất nhưng cũng quý giá nhất. Tây Mỗ có lẽ là làng quê duy nhất có truyền thống thờ phụng hạt gạo, sản phẩm do chính bàn tay người dân nơi đây làm ra.
Vì vậy, cứ vào mùng 8 tháng Giêng hằng năm, làng lại tổ chức lễ hội rước xôi để tôn vinh hạt gạo, cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình yên ấm và cũng là để tưởng nhớ đến 2 vị thành hoàng làng là Thủy Hải Long Vương và ả Lã Làng Đê.
Sáng 15.2 (tức mùng 8 tháng Giêng), làng Tây Mỗ lại tưng bừng mở lễ hội rước xôi nhằm tôn vinh hạt gạo.
Mỗi năm, dân làng sẽ chọn ra một gia đình đăng cai thổi xôi. Gia đình được chọn phải là gia đình nề nếp, gương mẫu, con cái phương trưởng và còn song toàn cả cụ ông, cụ bà. Năm nay, gia đình ông Nguyễn Đình Kích (tổ dân phố Dộc) vinh dự được chọn thổi xôi cho làng.
3 chõ xôi được gia đình ông Kích thổi trong 3 tiếng từ 1-4 giờ sáng. Mỗi chõ được thổi từ 40kg gạo nếp cái hoa vàng tuyển chọn.
Khoảng 8 giờ sáng, các bô lão trong làng cùng đội rước xôi sẽ xuất phát từ đình làng vào gia đình ông Kích làm lễ và đón nhận 3 chõ xôi rước đi quanh làng.
Xôi sẽ được rước từ tổ dân phố này sang tổ dân phố khác với quãng đường di chuyển chừng 2km.
Mỗi kiệu xôi có tổng trọng lượng khoảng 1,2 tạ gồm cả xôi, chõ đồng và kiệu rước.
Đoàn rước đi đến đâu, các hộ gia đình trong làng mang mâm lễ ra cổng để làm lễ khấn vái.
Dẫn đầu đoàn rước là đoàn múa lân và các em nhỏ với các điệu múa quạt, múa hoa đăng.
Đông đảo người dân trong làng cùng du khách thập phương cùng tham gia vào đoàn rước khiến các con ngõ trong làng Tây Mỗ chật kín người.
Kiệu xôi nặng cùng đoạn đường rước khá xa khiến các trai tráng trong làng Tây Mỗ phải gắng hết sức.
Các thanh niên thay phiên nhau vào khiêng kiệu xôi. Mỗi kiệu sẽ có từ 6-8 người khiêng.
Nhiều thanh niên phải dùng khăn mặt để kê vai…
. .. hay dùng mũ len kê vào cho đỡ rát vai trong quá trình khiêng kiệu xôi nặng.
Khoảng hơn 10 giờ sáng, 3 kiệu xôi sau khi rước một vòng quanh làng được đưa trở về đình làng Tây Mỗ đặt trước gian thờ chính.
Phía bên ngoài người dân đứng làm lễ rất đông. Đến chiều muộn, một chõ xôi sẽ được phát lộc cho các bô lão trong làng cùng du khách thập phương. 2 chõ xôi còn lại sẽ được đưa về gia đình thổi xôi để làm lễ liên hoan, phát lộc cho cả tổ dân phố.