Nghĩa Trũng đàn là nghĩa trang đầu tiên của Việt Nam, được lập vào năm 1872 (năm Tự Đức thứ 25), nơi an nghỉ của hơn 1.000 lính Tây Sơn áo vải cờ đào.
Nguồn gốc của Nghĩa Trũng đàn có từ xa xưa. Hàng năm, thấy mộ phần của các lưu dân Nam tiến chôn dọc sông Thạch Hãn (Quảng Trị) bị xói lở rất thương tâm nên năm 1872, ông Hoàng Hữu Lợi, tước Trung nghị đại phu Phó đô ngự sử, tiền nhân đời 12 của Hoàng tộc làng Bích Khê, Quảng Trị (nay thuộc xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị) phát nguyện mua khu đất ở làng Thạch Hãn (nay thuộc khu phố 8, phường 3, thị xã Quảng Trị) làm nơi quy táng.
Cổng chính của Nghĩa Trũng đàn.
Theo dòng lịch sử, trưởng nam của ông Hoàng Hữu Lợi là quan Tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng tiếp tục thực hiện việc quy tập thêm nhiều di cốt về nơi đây. Theo sử chép, ông Hoàng Hữu Xứng thường gặp nhiều di chỉ mộ hoang ở vùng quản hạt, hỏi ra mới biết đó đều là di cốt của nghĩa quân Tây Sơn chết trận lúc đại thắng quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu (1789).
Thiết nghĩ, xương cốt quân thù còn được nhân dân ta quy tập chôn thành 12 gò gọi là Kình nghê kinh quán rồi cho lập đàn cúng tế... Còn đây là các nghĩa sĩ Tây Sơn hi sinh vì Tổ quốc thì càng phải trân quý. Cho nên, ông Hoàng Hữu Xứng đã thuê người thu tập hơn 600 hài cốt, rồi dùng thuyền bầu ngược vào Thuận Quảng đưa về Nghĩa Trũng đàn an táng.
Theo lời kể của các bô lão còn sống, trong những năm chiến tranh quân giặc nhiều lần đưa xe tăng, máy xúc muốn san phẳng Nghĩa Trũng đàn nhưng đều thất bại. Bởi khi xe tăng đưa vào gần Nghĩa Trũng đàn đều bị tuột xích, chết máy… khiến chúng hoảng loạn, không dám động đến nữa.Sau nhiều lần tu bổ, Nghĩa Trũng đàn đã bớt phần hoang sơ. Tuy nhiên, mộ phần gần như bị xáo trộn theo thời gian, và trở thành bãi đất bằng phẳng.
Được biết, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là hậu duệ thứ 16 của Hoàng tộc Bích Khê đã chấp bút tấm bia ở Nghĩa Trũng đàn.
Ngày 16.12.2010, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2437/QĐ-UBND về việc công nhận Nghĩa Trũng đàn là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Nghĩa Trũng đàn có diện tích khoảng 7 sào (3.500 m2).
Dưới thời phong kiến triều Nguyễn, Nghĩa Trũng đàn được ban hưởng quy chế quốc gia, do chính quyền tỉnh Quảng Trị đảm nhiệm, cấp ruộng tư điền, miễn sưu, phong hàm cho những người trực tiếp coi sóc.
Nghĩa Trũng đàn là nơi yên nghỉ của hơn 1.000 hài cốt.
Tấm bia ở Nghĩa Trũng đàn do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – hậu duệ thứ 16 của Hoàng tộc Bích Khê chấp bút.