Văn học có thể khơi đậy sự tử tế
Xấu và tốt, tử tế và lương thiện là những hành vi luôn đồng hành với loài người từ thượng cổ. Đó là cuộc đấu tranh giữa cái ác và cái thiện mà không phải lúc nào cái thiện cũng chiến thắng. Loài người đã dùng nhiều phương tiện để đề cao sự tử tế và chống lại cái ác như: Tôn giáo, văn hóa nghệ thuật, giáo dục, bạo lực, trấn áp…
Tôi cho rằng có một vũ khí quan trọng, đó là văn học nghệ thuật bởi vì như nhà văn Nga nổi tiếng Dostoievsky đã nói: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi nhân loại”. Nếu văn học nghệ thuật được phát huy mạnh mẽ, gây tác động vào quần chúng thì có thể khơi dậy sự tử tế và lượng thiện của xã hội. Nhân đây xin nói tới chuyện hiện nay có rất nhiều thơ và các nhà thơ. Ai ai cũng có thể làm thơ. Có người nói là chúng ta bội thực thơ nhưng đó thực là điều tốt cho văn hóa. Khi người ta làm thơ, tâm hồn con người sẽ hướng thiện yêu thương và hồn nhiên, ghét lại những thói xấu xa vũ lực, vô tâm, độc ác… Từ vô tâm đến nhẫn tâm là khoảng cách rất gần. Cho nên ở đây vai trò của văn học nghệ thuật rất quan trọng.
Nhà thơ Anh Ngọc
Hướng thiện cho trẻ nhỏ
Sự tử tế không từ trên trời rơi xuống mà là sản phẩm của một nền giáo dục. Ở những xã hội văn minh, vấn đề này được đặt ra từ bé với trẻ em khi mới đến trường. Nhà trường có trách nhiệm làm giảm những tính xấu và tăng phần lương thiện cho trẻ em qua các bài giảng. Không chỉ bằng lời nói mà bằng những hành động trực quan. Ví dụ ngay cả chuyện rất nhỏ như thương yêu chăm sóc súc vật, quan tâm tới người thân gia đình như cha mẹ, ông bà… Trong một lần đi tham quan giáo dục ở Đức tôi được biết ở nước này có đạo luật sẽ phạt tất cả những ai đánh súc vật trước mặt trẻ em. Trẻ em cần phải được hướng thiện ngay từ khi còn nhỏ thì sau này lớn lên sẽ trở thành những người tử tế. Một nền giáo dục tốt sẽ quyết định một xã hội lương thiện và tử tế.
GS-NGND Nguyễn Đình Chú
Hiểu đơn giản, làm dễ dàng
Tôi nghĩ sự tử tế là vấn đề cốt lõi của bất cứ một loại hình văn minh xã hội nào. Trước khi bàn đến việc làm thế nào để khơi dậy sự tử tế trong xã hội, tôi nghĩ cần nhìn nhận một cách đúng về sự tử tế. Tôi không quan niệm sự tử tế to tát như nhiều người vẫn nghĩ. Đơn giản, dắt người già qua đường, nhường ghế trên xe bus, hay tặng nhau cọng hành, trái ớt khi mua bán rau… là những biểu hiện rõ nét của sự tử tế.
Chúng ta có những hệ thống loa thôn, loa xóm, hoặc bản tin đến tận các phường, xã. Sao chúng ta không ca ngợi những việc nho nho như thế để mọi người hiểu rằng, tử tế không phải là điều gì quá cao siêu và không quá khó để thực hiện.
Nhà báo Ngọc Lan (Đài PTTH Hải Dương)
Người dân xã Tiến thành (TP. Phan Thiết, Bình Thuận) thu gom các lon nước ngọt bị rơi trên đường giúp tài xế xe tải. I.T
Báo chí hãy chia sẻ hành động tử tế
Báo chí, rồi mạng xã hội ngày càng đưa nhiều thông tin tiêu cực. Sáng mở mắt ra đã đập ngay vào mặt các tin tức nào là cướp bóc, giết chóc, lừa đảo… Tôi nghĩ điều này đã làm cho không ít người có cái nhìn thiên lệch về xã hội và khiến niềm tin giữa con người với nhau giảm sút trầm trọng. Mà tôi thấy chẳng có điều gì tốt đẹp có thể nảy sinh trên một mối quan hệ mà niềm tin đã bị rạn vỡ. Trong khi đó, bằng những trải nghiệm thực tế của mình, tôi thấy có rất nhiều người tử tế trong xã hội và họ cũng đang âm thầm làm những việc tử tế. Vấn đề là chúng ta có nhìn ra được hay không?
Vì lẽ đó, để khơi dậy sự tử tế trong xã hội, trước hết báo chí phải phát hiện, đăng tải và chia sẻ câu chuyện của họ. Chia sẻ một cách đời thường thôi, không phải theo kiểu báo cáo về người tốt việc tốt. Có như vậy, sự tự tế sẽ được lan tỏa.
Hoàng Ngân – Cựu Chủ nhiệm CLB tình nguyện Ngàn Hạc giấy Hà Nội
Sự tử tế không từ trên trời rơi xuống
Theo tôi, sự tử tế là biểu hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và con người, cụ thể là sẵn sàng giúp đỡ nhau, ủng hộ từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Trong chuyện giúp đỡ này, mục tiêu là quyền lợi của đối tác. Người giúp đỡ sẽ không được hưởng lợi gì mà có khi bị thiệt thòi. Một xã hội tử tế là một xã hội thanh bình, hiền hòa, dễ chịu, ngược lại là xã hội hỗn loạn, khó chịu… Sự tử tế còn phụ thuộc vào chất lượng văn minh xã hội chứ không phải từ trên trời rơi xuống. Một xã hội văn minh thì sự tử tế sẽ nhiều hơn một xã hội kém văn minh. Cho nên hãy làm cho xã hội văn minh thì sự tử tế sẽ phát triển theo.
PGS sử học Tạ Ngọc Liễn