Dân Việt

1001 cách người Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài

Thu Hương 17/02/2016 19:30 GMT+7
Một phương thức mới khá lạ đời đã được doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng nhằm trốn tránh những quy định kiểm soát vốn đang bị Bắc Kinh siết chặt: dựng lên một vụ kiện vi phạm hợp đồng trong đó công ty Trung Quốc sẽ là bên thua cuộc.

img

Ảnh minh họa

Từ những ngân hàng ngầm ở miền Nam Trung Quốc đến việc cố tình trả dư tiền thanh toán cho các hàng hóa nhập khẩu, người dân Trung Quốc có rất nhiều cách để mang tiền ra nước ngoài nhằm tránh bất ổn trong nước và hướng tới những bến đỗ an toàn hơn.

Tuy nhiên, theo luật sư người Mỹ Dan Harris, một phương thức mới khá lạ đời đã được doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng nhằm trốn tránh những quy định kiểm soát vốn đang bị Bắc Kinh siết chặt: dựng lên một vụ kiện vi phạm hợp đồng trong đó công ty Trung Quốc sẽ là bên thua cuộc.

Trung Quốc đặt giới hạn mỗi công dân chỉ được gửi tối đa 50.000 USD ra nước ngoài mỗi năm, trừ một số ít các trường hợp đặc biệt là những khoản thanh toán liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu và áp lực đè nặng đồng nhân dân tệ khiến dòng tiền bị rút ra ồ ạt, Bắc Kinh đã tăng cường các biện pháp kiểm soát mọi dòng vốn cố gắng đi ra ngoài biên giới. Thậm chí một lãnh đạo của Bank of China (một trong 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc) đã nói với Wall Street Journal rằng tất cả các giám đốc chi nhánh ngân hàng đã được triệu tập đến các hội thảo tập huấn để nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường kiểm soát dòng vốn.

Dẫu vậy, kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy dòng tiền sẽ tìm ra được con đường để chảy đến nơi mà nó muốn. Trong bài viết xuất bản trên blog của hãng luật Harris & Moure, Harris đã tường thuật chi tiết cuộc đối thoại của ông với một chuyên gia tư vấn làm việc với một công ty Trung Quốc. Chuyên gia này cho biết công ty Trung Quốc đã cố tình thua trong một vụ kiện mà theo đó họ phải nộp phạt 3,5 triệu USD.

Đương nhiên số tiền nộp phạt sẽ được chuyển sang Mỹ và chính công ty này đứng sau công ty thụ hưởng.

Harris cho biết công ty sản xuất tư nhân này muốn sử dụng một vụ kiện giả thay vì một khoản tiền phạt giàn xếp đơn thuần bởi cơ quan quản lý sẽ giám sát vụ việc rất chặt chẽ. “Họ muốn tăng tính chính thống của sự việc, đồng thời quá trình xét xử cũng diễn ra khá nhanh, chỉ mất 3 tháng mà thôi”. Harris được đề nghị giúp đỡ thành lập một công ty Mỹ sẽ kiện phía Trung Quốc.

Vị luật sư đã từ chối vì cho rằng làm như vậy là trái với đạo đức nghề nghiệp. Vẫn chưa thể chắc chắn rằng hình thức này được sử dụng phổ biến, nhưng suy luận này cũng không phải là không có cơ sở. Harris vẫn nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của các công ty Trung Quốc hỏi về cách chuyển tiền ra nước ngoài.

Công ty luật Harris & Moure có văn phòng ở Bắc Kinh, Thanh Đảo, Portland, Las Vegas và Chicago.

Cuối năm ngoái, Bloomberg đã có bài báo miêu tả 6 cách mà người Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài: nhờ tiệm đổi tiền ở Hồng Kông, dùng séc của "ngân hàng ngầm", tập trung nhiều người để chuyển tiền, giấu tiền trong hành lý, mở tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng nước ngoài và dùng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ để mua hàng, sau đó chuyển món hàng mua được thành tiền mặt.

Có thể cảm nhận được dòng tiền từ Trung Quốc ào ạt chạy đến mọi ngõ ngách trên khắp thế giới. Trong vòng 1 năm tính đến tháng 3/2015, người Trung Quốc rót 30 tỷ USD vào thị trường địa ốc Mỹ. Tại Sydney, 1/4 số nhà mới xây được bán cho khách Trung Quốc. Tại Vancouver, người Trung Quốc góp phần đẩy giá nhà tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Còn tại Hồng Kông, một phần vì khách Trung Quốc đại lục mà giá nhà tăng 60% kể từ năm 2010.

Ngân hàng Thụy Sỹ UBS ước tính đã có 324 tỷ USD được giới nhà giàu Trung Quốc chuyển ra nước ngoài trong năm 2014. Các công ty Trung Quốc cũng ồ ạt thâu tóm nhiều công ty ở nước ngoài.