Việc xuất hiện hệ thống tên lửa đất đối không cao cấp HQ-9 tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là bước mới nhất trong kế hoạch bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Thái Bình Dương.
Các bệ phóng tên lửa xuất hiện trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa hôm 14.2
Trong khi Mỹ cố gắng tìm hiểu từng động thái thì phía Trung Quốc đang theo đuổi một mục tiêu dài hạn. Nước này trắng trợn tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng Biển Đông, dựa trên bản đồ đường lưỡi bò của chính phủ Tưởng Giới Thạch bị lật đổ năm 1949.
Và giờ Trung Quốc đang dần chiếm quyền kiểm ngày càng lớn ở khu vực này, tiếp tục các hoạt động quân sự hóa bất chấp các phản ứng từ Mỹ.
Tàu khu trục USS Curtis Wilbur đi vào khu vực gần đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa
Hồi tháng trước, một tàu khu trục của Mỹ đã tiến sát đến quần đảo Hoàng Sa nhằm thực thi hoạt động tự do hàng hải, thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với quần đảo này.
Liệu việc tàu khu trục của Mỹ xuất hiện tại Biển Đông có phải là nguyên nhân Trung Quốc điều tên lửa đến?
“Trung Quốc đang nhằm vào những hoạt động tự do hàng hải của Mỹ, và cố gắng đổ lỗi cho Mỹ,” bà Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên ứu An ninh và Quốc tế (Mỹ) cho biết.
“Đây thực sự là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc muốn tạo ra các cơ hội giúp họ bành trướng quyền kiểm soát đối với không phận và hải phận trong khu vực.”
Bà Thái Văn Anh - tân tổng thống Đài Loan
Còn theo chuyên gia Dean Cheng từ Quỹ Di sản Thế giới, các sự kiện bên ngoài như hoạt động của Mỹ tại Biển Đông, chiến thắng của ứng cử viên Thái Văn Anh thuộc đảng có quan điểm đòi độc lập trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, cũng như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại California (Mỹ) vừa kết thúc đã tạo những điều kiện thuận lợi cho mưu đồ của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Obama cùng lãnh đạo các nước ASEAN
Các yếu tố chính trị nội tại của Trung Quốc cũng góp phần đưa đến những hành động gần đây của nước này. “Ông Tập Cận Bình sẽ thay thế rất nhiều lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc vào Đại hội Đảng diễn ra năm tới, trong khi đó nền kinh tế nước này đang chậm lại,” ông Cheng nhận định.
Theo Cheng, Trung Quốc đang cố thể hiện một cách phi lý rằng quần đảo Hoàng Sa là của họ, về cả danh nghĩa lẫn quân sự. Điều này đúng với tham vọng bành trướng quyền kiểm soát trên toàn bộ Biển Đông.
Theo bà Glaser, Trung Quốc rất khôn ngoan khi lựa chọn Hoàng Sa, vì theo lời cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mỹ hồi tháng 9.2015, nước này sẽ không quân sự hóa khu vực, và chỉ nhắc đến Trường Sa.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ tháng 9.2015
Bà Glaser nói thêm rằng, “điều đó không có nghĩa là trong tương lai, quần đảo Trường Sa sẽ tránh khỏi bị quân sự hóa.”
Trung Quốc đã hoàn thiện một đường băng quân sự trái phép ở đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, vận hành các máy bay chiến đấu hồi tháng 11 năm ngoái để đáp trả hoạt động tự do hàng hải của Mỹ, và mới đây điều hai khẩu đội tên lửa phòng không ra đảo này để bảo vệ những cơ sở trái phép đã xây dựng.
“Điều này không có gì đáng ngạc nhiên,” bà Glaser nhận định.
“Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 có gốc gác từ hệ thống S-300, hay còn gọi là SA-10 của Nga, bổ sung thêm công nghệ từ hệ thống Patriot của Mỹ. Nó tạo ra một không phận mà chỉ có những máy bay chiến đấu và hệ thống tối tân mới dám xâm nhập,” ông Cheng cho biết.
Ông Cheng nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai trái phép cái gọi là “Thành phố Tam Sa". Nước này đã xây dựng các cơ sở nhân tạo trái phép trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nên sẽ tiếp tục với Đá Vành Khăn.
Theo bà Glaser, Trung Quốc có thể tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, trước hết là ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Hồi năm 2013, nước này cũng đã xác lập một Vùng nhận dạng phòng không trên quần đảo Điếu Ngư/Sensaku tranh chấp với Nhật Bản.
Trước hình này, Mỹ sẽ phản ứng thế nào?
“Trong thời điểm Trung Quốc đang tuyên bố cam kết giữ vững ổn định khu vực, việc nước này điều động tên lửa ra khu vực tranh chấp chứng tỏ âm mưu gây mất ổn định,” Hạ nghị sỹ J. Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban về các lực lượng và sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ phát biểu hôm 17.2.
“Mỹ và các nước đồng minh phải tiếp tục duy trì tự do hàng hải và hàng không, tuân theo luật pháp quốc tế.”
Trong một phát biểu, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cho biết các hoạt động của Trung Quốc tuần này cho thấy tham vọng quân sự hóa tại khu vực Biển Đông.
Theo Đại úy Hải quân Mỹ Jerry Hendrix, “Trung Quốc muốn Mỹ chấp nhận những hành động của họ mà không phản kháng, nhưng điều đó là không thể chấp nhận được. Chúng tôi đã thể hiện điều này rất rõ ràng.”
“Chúng ta cần nghĩ tới các biện pháp ngoại giao và chính trị để trừng phạt Trung Quốc. Cho đến nay chưa có biện pháp nào khiến Trung Quốc phải trả giá cho các hành động của mình,” Cheng nêu quan điểm.
“Chúng ta cần bạn bè và đồng minh để đối phó với tình hình này. ASEAN vẫn rất yếu – một số thành viên có rất ít lợi ích trong các tranh chấp hàng hải, một số khác lại là bạn hàng của Trung Quốc. Dẫu vậy, các nước này vẫn có thể hiệp lực vì lợi ích chung.”
Việt Nam và Philippines sẽ là những thành viên đi đầu trong cuộc đấu tranh. Cả hai nước đều có những tranh chấp lãnh thổ dai dẳng với Trung Quốc. Các quốc gia trung lập như Indonesia và Singapore cũng có thể tham gia.