Những ngày này, bóng đá Việt Nam nói chung và cộng đồng mạng nói riêng đang “nổi sóng”. Tấm vé dự World Cup 2016 của đội tuyển futsal Việt Nam như một màn pháo hoa rực rỡ, lan tỏa ánh sáng diệu kỳ trên bầu trời, mang đến bao cảm xúc hân hoan cho mọi người, mọi nhà trong những ngày đầu năm mới…
Để có được 15 phút bắn pháo hoa trong đêm giao thừa Tết Bính Thân vừa qua, Hà Nội đã phải chi khoảng 10 tỷ đồng. Và khoảnh khắc đó cũng trôi qua nhanh cùng những tiếng vỗ tay, chúc tụng đầu năm. Năm này qua năm khác, bắn pháo hoa cũng đã trở nên quen thuộc. Người dân cần những “màn pháo hoa” đặc sắc, ý nghĩa hơn và đêm 17.2, đội tuyển bóng đá futsal Việt Nam đã làm được điều ấy.
Đêm 17.2, Thần Tài đã gõ cửa bóng đá Việt Nam. Hàng triệu trái tim người hâm mộ thao thức, chờ đợi một điều kỳ diệu qua màn hình TV. Để rồi sau 2 giờ đồng hồ “lăn” theo nhịp trái bóng ở Uzbekistan, tất cả đã vỡ òa hạnh phúc.
Trên facebook, rất, rất nhiều những status thể hiện trạng thái “chúc mừng” khoảnh khắc lịch sử của bóng đá nước nhà. Có những trái tim từ lâu đã nguội lạnh, quên hẳn V.League, thờ ơ với các đội tuyển bóng đá Việt Nam bỗng hồi sinh, run rẩy, nghẹn ngào khi chứng kiến giây phút thầy trò huấn luyện viên Bruno Formoso hạ gục Nhật Bản sau loạt đá luân lưu.
Khoảnh khắc ấy chẳng khác gì câu chuyện thần kỳ khi chàng tí hon David có thể đánh bại gã khổng lồ Goliath: “Không thể nói gì hơn cả, hạnh phúc quá! Nếu kịp thì tôi đã đặt vé đi Uzbekistan cổ vũ cho đội futsal Việt Nam thi đấu bán kết với Iran rồi. Người hâm mộ chúng tôi chỉ cần có thế, những giây phút đầy đam mê, chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo”, cổ động viên Hải Phòng Văn Trần Hoàn xúc động nói.
Niềm vui của đội tuyển futsal Việt Nam khi lọt vào vòng chung kết.
Nào đâu chỉ các cổ động viên, trong ngày 18.2, báo chí thế giới cũng hết lời ca ngợi futsal Việt Nam, truyền thông trong nước cũng đưa ra nhiều lý giải về “cơn địa chấn” này. Với tôi, nguyên nhân cốt yếu đưa đội futsal Việt Nam tới World Cup đôi khi chỉ đơn giản là những đĩa cơm rang chính tay ông bầu Tú (ông Trần Anh Tú – Ủy viên thường trực VFF, Trưởng đoàn futsal Việt Nam tại giải châu Á 2016 – PV) vào bếp làm cho các cầu thủ thưởng thức.
Cách quan tâm không dừng ở những nụ cười, những cái bắt tay xã giao, những “câu chuyện làm quà” hay vài chiếc bao lì xì cho có của bầu Tú đã giúp các cầu thủ duy trì được niềm đam mê khi ra sân. Mà với các cầu thủ phong trào (futsal là bóng đá phong trào – PV) nếu không có đam mê thì còn gì? Họ ra sân để tận hưởng, để sống lại những ước mơ dang dở từ những ngày chập chững theo đuổi nghiệp quần đùi áo số. Nhiều người trong số họ từng muốn chơi bóng chuyên nghiệp nhưng vì nhiều lý do đành “đứt gánh giữa đường”.
Nhưng cái tài sản duy nhất của “dân phủi”, các cầu thủ phong trào lại là thứ mà giới cầu thủ chuyên nghiệp đang thiếu, thậm chí nhiều người đã đánh mất, đến nỗi “chưa thành tài đã thành tật”. Thế nên mới có chuyện dàn xếp tỷ số, bán độ, làm đau lòng người hâm mộ. Ở đây phải nhấn mạnh rằng cầu thủ chuyên nghiệp có rất nhiều tiền rồi nhưng họ vẫn… bán độ. Niềm đam mê bóng đá khi bắt đầu chập chững vào nghề phải chăng đã được chuyển hẳn sang đam mê… tiền và những cuộc vui thâu đêm suốt sáng?
Việc đội tuyển futsal có mặt ở World Cup 2016 rõ ràng là bài học cảnh tỉnh cho cả nền bóng đá Việt Nam. Những ai từng khẳng định làm bóng đá chuyên nghiệp phải có thật nhiều tiền hãy nhìn lại. Giai đoạn 2007-2010, cả “núi tiền” đã đổ vào bóng đá và hệ quả là bóng đá Việt Nam chẳng những không tiến mà còn lùi. Trong cuộc sống, cách tốt nhất để một người có thể làm việc hiệu quả là họ có đam mê và được làm việc, cống hiến hết mình cho đam mê ấy.
Vậy nên, làm sao để giúp các cầu thủ duy trì, thắp lên ngọn lửa đam mê mới thực sự là điều mà những người làm bóng đá Việt Nam cần đầu tư công sức, bắt đầu từ cách nghĩ, cách làm mang theo tâm huyết, chứ không phải vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm từ chính các “đầu tàu” bóng đá nước nhà.
Có đam mê, có sức khỏe là có tất!