Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ. Ảnh: USAF
Việc Trung Quốc ngang ngược triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, thổi bùng nguy cơ xung đột trong khu vực, khiến Mỹ và đồng minh có thể sẽ cứng rắn hơn trong các biện pháp đối phó.
Trong trường hợp nổ ra chiến sự trên vùng biển chiến lược này, Mỹ có tại chỗ một loại vũ khí có thể đối phó hiệu quả với tên lửa HQ-9, đó là tiêm kích F-22 Raptor, loại máy bay tàng hình tối tân đang được Lầu Năm Góc triển khai đến châu Á để răn đe Triều Tiên, theo National Interest.
Theo chuyên gia phân tích quân sự Dave Majumdar, HQ-9 là hệ thống phòng không khá uy lực, kết hợp các tính năng tốt nhất của tên lửa S-300P Nga và MIM-104 Patriot của Mỹ. HQ-9 được trang bị hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động, giúp một khẩu đội có thể tấn công đồng thời 6 mục tiêu ở khoảng cách 193 km trên độ cao 27,4 km. Với các tính năng này, HQ-9 có uy lực đủ lớn để hình thành một vùng cấm bay đối với máy bay dân sự và quân sự trong tầm hoạt động của mình.
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor của Mỹ là lựa chọn tốt nhất để đối phó HQ-9. Dù được thiết kế ban đầu chỉ để chiếm ưu thế trên không, F-22 đã chứng minh được khả năng tác chiến rất linh hoạt. Những năm gần đây, ngoài nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, F-22 còn san sẻ vai trò của oanh tạc cơ tàng hình B-2 trong khái niệm Lực lượng Tấn công Toàn cầu (GSTF).
Theo khái niệm tác chiến này, F-22 sẽ tận dụng ưu thế tàng hình và tốc độ bay phía trước mở đường, tung đòn phủ đầu tiêu diệt các máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa phòng không tối tân của đối phương, B-2 sẽ bay sau ném bom xé nát các mối đe dọa như các bệ phóng tên lửa Scud, kho vũ khí hóa học, hệ thống phòng thủ bờ biển và phòng không. Gần đây nhất ở Iraq và Syria, F-22 với hệ thống cảm biến nhạy bén đã được sử dụng để thực hiện vai trò trinh sát, thậm chí là chỉ huy và kiểm soát trên chiến trường.
Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo, không quân Mỹ đã triển khai một phi đội tiêm kích F-22 tới Hàn Quốc. Đây là các máy bay được ưu tiên nâng cấp trang bị mới nhất theo chương trình Increment 3.2A nhằm cải tiến vũ khí tác chiến đối đất và các năng lực giao tiếp trên F-22.
Với gói nâng cấp này, F-22 không những được cải tiến về bản đồ radar khẩu độ tổng hợp, khả năng định vị địa lý và Bom Đường kính nhỏ (SBD), mà khả năng nhận thức tác chiến của nó cũng được cải thiện đáng kể cùng gói dữ liệu Link-16 kết nối với các cảm biến khác trên máy bay.
F-22 Raptor có thể được trang bị các tên lửa tầm nhiệt AIM-9X Sidewinder và AIM-120D AMRAAM cùng hệ thống tránh va chạm mặt đất tự động. Với các khả năng được nâng cấp, F-22 thực sự là sát thủ của các hệ thống tên lửa đất đối không như S-300, S-400 hay HQ-9 trong trường hợp nổ ra xung đột.
Một hệ thống tên lửa HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: Defensenews
Nhờ năng lực định vị địa lý và hệ thống radar khẩu độ tổng hợp, F-22 có thể xác định vị trí chính xác của các hệ thống phòng không di động như HQ-9 và tấn công chúng từ khoảng cách tương đối an toàn nhờ sự kết hợp giữa công nghệ tàng hình và hành trình siêu thanh.
Trong thực tế, F-22 có thể duy trì tốc độ March 1,8+ mà không cần sử dụng buồng đốt phụ. Điều này có nghĩa là F-22 có thể tiến đủ gần tới vị trí HQ-9 để ném bom SBD nặng 113 kg hay bom thông minh JDAM nặng 453 kg mà không lo bị lộ mặt quá lâu trước radar đối phương.
Trong khi đó, đài radar trinh sát dò tìm Type 305B/YLC-2V của HQ-9 lại bị đánh giá là cồng kềnh, tiêu thụ điện năng lớn, chưa đủ khả năng phát hiện các chiến đấu cơ tàng hình tối tân của Mỹ như F-22. Ngoài ra, thời gian phản ứng từ lúc phát hiện mục tiêu của HQ-9 là 10-12 giây, quá đủ để một tiêm kích tốc độ cao như F-22 thực hiện xong đòn tấn công hủy diệt.