Một trong những món ăn lót lòng làm nên danh tiếng xứ Cà Mau là bánh tằm xíu mại bọc tàu hủ ky. Nhưng, bây giờ về thành phố quê tràm đước, khách phương xa sẽ ngỡ ngàng khi nhìn thấy những bảng hiệu quảng cáo món bánh tằm cay.
Người sành ẩm thực cho rằng món cay ăn nóng mới ngon. Vị cay cùng sức nóng có công dụng làm các lỗ chân lông toát mồ hôi giải nhiệt cơ thể.
Bánh tằm là món ăn chơi khá thông dụng vùng ĐBSCL. Người dân miệt vườn này ai cũng có thể làm bánh tằm phục vụ gia đình những lúc nhàn rỗi. Để làm bánh tằm, người ta trộn đều bột năng và bột gạo, vừa châm nước sôi chầm chậm vào vừa dùng đũa đảo nhẹ rồi dùng tay nhúng dầu nhồi bột thành khối mịn dẻo để xe giữa hai lòng bàn tay thành sợi dài như ý. Sau đó đem hấp chừng vài phút là sợi bánh trong đục, bánh chín.
Để có món bánh tằm cay, người Cà Mau kết hợp bánh tằm với món cà ri gà. Bột cà ri được hình thành từ khá nhiều hương liệu: Đại hồi, đinh hương, hạt mùi khô, bột nghệ, quế chi, ớt khô rang cho thơm rồi nghiền thành bột mịn trộn chung với nhau cho ra một loại bột màu vàng, mịn, có mùi đặc trưng. Người ta dùng bột nầy nấu với gà làm sạch thành món cà ri gà.
Khách đến quán thưởng thức món bánh tằm cay sẽ được dọn ra một đĩa bánh tằm với một phần thịt gà, mề gà và huyết gà cùng nước cà ri sền sệt. Nếu thích, khách có thể gọi cho riêng mình cái phao câu gà. Cho giá sống và lá rau quế vào đĩa bánh tằm, trộn cho nước cà ri thấm đều rồi gắp miếng thịt gà chấm vào đĩa muối ớt đã nặn sẵn miếng chanh. Cho vào miệng, nhai, sẽ cảm nhận được vị cay của cà ri hòa trộn khắp vòm họng.
Tùy khẩu vị, bạn cho chủ quán biết mình thích cay vừa hoặc thật cay. Nhưng thưởng thức cà ri Chà (Ấn Độ) chánh gốc phải như học giả Vương Hồng Sển đã từng ăn, là: "Phải rán mà nuốt lúc đầu, vì họ nấu cà ri cay xé miệng, vừa ăn vừa nước mắt nước mũi tuôn ròng ròng như khóc ông cha chết đã ba đời" mới đúng "điệu".