Sau khi giá xăng đồng loạt về mức thấp nhất trong vòng 6 năm, hiện chỉ còn hơn 13.000 đồng/lít, hỗ trợ rất lớn đến chi phí đầu vào của ngành vận tải, đặc biệt là xe kinh doanh vận tải taxi. Dư luận và người dân hiện đang rất quan tâm đến động thái giảm giá của các doanh nghiệp taxi, vận tải.
Ảnh minh họa
Ngày 19.2, tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện ban lãnh đạo hãng taxi Mai Linh, ông Thái Phương cho biết: “Sau khi giá xăng giảm mạnh, chúng tôi cũng đã họp bàn ngay về việc điều chỉnh giá cước”. Nhưng chính ông Phương cũng chưa thể tiết lộ ngay về mức giá sẽ giảm.
Còn tại Hà Nội, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, với lần giảm giá xăng này, chắc chắn các doanh nghiệp kinh doanh taxi sẽ phải giảm cước. Mức giảm dự kiến khoảng 300 đồng/km. Tuy nhiên, để hoàn tất các thủ tục xin giảm giá chắc phải mất khoảng 10 ngày.
Lãnh đạo Hiệp hội taxi cũng xác nhận, giá xăng chỉ cần giảm xuống khoảng 15.000 đồng/lít, và giá dầu giảm còn khoảng 10.000 đồng/lít thì các doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải điều chỉnh giảm cước.
Ông Tuấn Anh, Chủ tịch hội đồng quản trị hãng taxi Thành Lợi cho biết: "Mức giá giảm bao nhiêu sẽ căn cứ, tính toán từ thông báo Hiệp hội taxi thành phố, rồi sẽ gửi bản đăng ký lên các cơ quan quản lý, sở tài chính, sở giao thông. Sau đó phải đi kiểm định lại đồng hồ, phải in bảng giá. Nhanh nhất 15 ngày sau, giá cước taxi mới chính thức giảm được”, ông Tuấn Anh nói.
Hiện mức giá mà các hãng xe taxi đang niêm yết hiện nay trên địa bàn Hà Nội phổ biến ở mức 7.000 đồng/500m đầu tiên, 10.500 đồng/km tiếp theo. Mức giá này cũng đã được duy trì trong quãng thời gian 3 tháng trở lại đây, tương ứng với thời điểm giá xăng ở mức 15.000 – 15.500 đồng/lít.
Như vậy, chỉ cần nhẩm tính đơn giản, giá xăng giảm nhưng giá cước taxi chờ đến 10-15 ngày sau mới giảm, sẽ thấy khoản lợi nhuận không nhỏ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính – Bộ Tài chính khẳng định: Doanh nghiệp chỉ tự giảm giá khi có môi trường cạnh tranh đúng nghĩa, mà ở ngành kinh doanh taxi chưa thật sự có cạnh tranh. Một số hãng lớn, chiếm thị phần cao bắt tay lại với nhau, đưa ra một mức giảm nhỏ giọt.
“Cơ quan thuế cần kiểm soát gắt gao hơn vấn đề tài chính của các hãng kinh doanh vận tải, taxi nếu thấy lợi nhuận bất thường, doanh nghiệp không giải thích được thì xử phạt thật nặng. Không có gì không thể kiểm soát được”, ông Phạm Minh Thụy khẳng định.
Bộ Tài chính chỉ đạo siết giá vận tải Chiều muộn ngày 19.2, Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải trên địa bàn. Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải rà soát lại giá nhiên liệu hiện nay so với giá nhiên liệu tính trong phương án giá cước đã kê khai liền kề trước để xây dựng phương án giá, kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu; phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin về mức giá kê khai của các đơn vị vận tải trên cùng tuyến cố định để thống nhất mức giá kê khai giữa 2 đầu tuyến; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý giá cước vận tải và kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật. Yêu cầu các Hiệp hội vận tải ô tô tuyên truyền, vận động đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện việc kê khai và niêm yết giá cước theo quy định và đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải đường bộ theo quy luật thị trường và phù hợp mức giảm giá nhiên liệu đầu vào; công khai các đơn vị không kê khai và giảm giá cước theo yêu cầu, để cơ quan chức năng xử lý. |