33 năm yêu nhau thì có đến 30 năm Tuệ Châu (45 tuổi) và Kim Mỹ (47 tuổi) phải sống trong xa cách, một người ở Việt Nam, một người cư trú tại Canada. Trải qua hành trình dài đấu tranh với định kiến xã hội, sự ngăn cấm dữ dội của gia đình, thậm chí một trong hai người từng tìm đến cái chết để thoát khỏi chuyện tình cảm éo le, cuối cùng họ đã được ở bên nhau mãi mãi.
Trước khi lên đường sang Canada định cư, Châu và Mỹ đã viết lại câu chuyện tình yêu đồng giới đầy trắc trở của mình như một lời cổ vũ cho các bạn trẻ đồng tính, song tính, chuyển giới có thêm nghị lực sống là chính mình. Câu chuyện cảm động của cặp đôi đồng tính hơn 3 thập kỷ yêu xa này đang được cộng đồng mạng Việt chia sẻ rộng rãi.
Nuôi nấng tình yêu bằng những cánh thư tay
Châu và Mỹ cùng nhau lớn lên tại một con hẻm nhỏ ở Sài Gòn. Gia đình Châu nghèo khó, hàng ngày ngoài giờ học, cô phải phụ mẹ mở quán bán hủ tiếu, bánh canh để mưu sinh.
Tuệ Châu (bên trái) và Kim Mỹ (bên phải) hạnh phúc trong lễ thành hôn
Thế nhưng, cái dáng vẻ lom khom, tần tảo cùng cử chỉ nhẹ nhàng, thanh tao đó của Châu lại chính là điểm “hút hồn” Kim Mỹ. Sau mấy tháng trời “thương thầm trộm nhớ”, Mỹ đã can đảm đến làm quen, chủ động đề nghị được giúp Châu làm hàng, bán quán. Từ đó, cả hai trở thành những người bạn thân thiết.
Sự san sẻ, yêu thương của một tình bạn sớm chuyển hóa thành tình yêu. Hơn một năm kể từ khi quen nhau, Châu và Mỹ nhận ra, mỗi người đã là một phần của nhau, mỗi lời nói, cử chỉ dù là nhỏ nhất của người này đều đủ sức chạm đến trái tim người kia.
Khi tình cảm dành cho nhau trở nên sâu đậm cũng là lúc, Kim Mỹ phải cùng gia đình sang Canada định cư. Những tưởng, khoảng cách nửa vòng trái đất sẽ khiến thứ tình cảm đầu đời đó dần phai nhòa, nhưng không… tình yêu ấy chỉ ngày càng lớn lên với sự nhớ nhung, mong ngóng.
Suốt nhiều năm sau đó, Tuệ Châu và Kim Mỹ liên lạc với nhau qua những cánh thư tay và đôi ba cuộc gọi. Hạnh phúc được chuyển chở qua những nét bút, những lời thủ thỉ, tâm tình hiếm hoi giúp hai người nguôi đi phần nào nỗi nhớ và cứ thế, tình yêu ngày càng sâu đậm hơn.
Những cuốn băng ghi âm chuyên chở tình yêu trong những ngày xa cách của Châu và Mỹ
Để được ở gần nhau, Kim Mỹ đã chủ động tìm hiểu về luật di trú Canada nhưng không có quy định nào cho phép công dân Canada bảo lãnh bạn đời cùng giới định cư. Cả hai rơi vào tuyệt vọng. Đã có lúc, Châu và Mỹ thử đáp lại tình cảm của những người đàn ông thành đạt để thoát khỏi tình cảm mờ mịt này. Thế nhưng:
“Lý trí mách bảo chúng tôi bắt đầu một cuộc đời mới nhưng con tim thì luôn thổn thức, khổ sở… Thẳm sâu, những lời nói yêu thương từ người đàn ông kia đều dẫn Châu tới kỷ niệm về tôi; thẳm sâu những cử thỉ thân mật, cái chạm nhẹ nhàng đều gợi nhớ về tôi. Phía tôi cũng vậy, tôi chỉ có thể xem người đàn ông bên cạnh là bạn”, Mỹ viết.
Sau thử thách lớn đó, cặp đôi đồng giới nhận ra bản thân không thể chối bỏ tình cảm của mình. Những cánh thư tay, những cuộc gọi tiếp tục là cầu nối tình yêu cho hai con người cách nhau nửa vòng trái đất. Châu và Mỹ gọi điện cho nhau khoảng từ 104 đến 156 lần mỗi năm. Thậm chí, ước tính, thời điểm đó chi phí điện thoại bỏ ra có thể giúp Mỹ mua được cả nhà và xe hơi. Thế nhưng, chị vẫn quyết định ở nhà thuê và đi lại bằng xe buýt để được nghe giọng nói của người yêu hai ngày một lần.
Từng tìm đến cái chết…
Không thể đưa người yêu sang Canada định cư cùng mình, Mỹ quyết định bỏ hết mọi thứ tại đây, trở về Việt Nam sống cùng Châu. Nhưng Châu phản đối việc đó vì sợ tình yêu đồng giới của mình bị gia đình và xã hội ngăn cản.
Món quà Mỹ tặng Châu trong lễ Valentine 1986
Năm 2006, sau khi đã bàn bạc kỹ lưỡng với Mỹ, Châu quyết định cho mẹ biết “cuộc tình 23 tuổi” của mình. Người mẹ của Châu không chỉ giận giữ mà còn hoảng sợ, tuyệt vọng, chửi rủa rằng, cả hai là những người thần kinh, đồi bại, vô đạo đức. Dù cho Châu hết lần này đến lần khác khóc lóc, cầu xin sự tha thứ nhưng mẹ cô vẫn kiến quyết không chấp nhận. Bà luôn nghĩ, bản thân đang bị tra tấn đến chết dần chết mòn vì sự đồi bại của cô con gái.
“Mẹ Châu đã không nhận ra rằng, chính việc cố chấp phản đối chuyện tình cảm của chúng tôi đang hành hạ cả bà lẫn Châu. Em đã rất đau lòng mỗi khi phải chứng kiến mẹ mình khóc… Mỗi khi tôi gọi điện về nói chuyện với Châu, mẹ em lại khó chịu ra mặt. Bà đóng sầm cửa, đập đồ ầm ĩ, kéo lê các vật dụng trong nhà khiến Châu bị tra tấn tinh thần”, Mỹ viết.
Sự giày vò của mẹ khiến Tuệ Châu rơi vào trầm cảm nặng và có ý định tự sát. Không thể chờ đợi thêm, Kim Mỹ ngay lập tức quay về Việt Nam gặp Châu mặc cho hậu quả nặng nề có thể xảy đến.
Cả hai gặp nhau vào đúng dịp Giáng sinh 2008 tại khách sạn. Cuộc trùng phùng sau hơn 20 năm xa cách ngập tràn trong nước mắt, nước mắt của niềm hạnh phúc pha lẫn sự đau khổ và nhớ nhung.
Bất ngờ, mẹ Châu muốn Kim Mỹ về nhà gặp bà. Những tưởng tình yêu đầy trắc trở này đã được mẹ Châu chấp thuận vậy mà, bà lại yêu cầu không được phép cho ai biết và tiếp tục lạnh nhạt với Mỹ. Hai lần tiếp theo, Mỹ trở về Việt Nam gặp Châu, thái độ của bà vẫn giữ nguyên như vậy.
Nhẫn cưới của Châu và Mỹ
Không thể chịu đựng thêm nữa sự ghẻ lạnh của mẹ, Châu lại có ý định tự tử. Nhưng sau đó, cô đã bình tĩnh trở lại, nói với mẹ rằng: “Má, nếu việc con ở trong nhà này vẫn còn khiến má buồn bực và nhục nhã, ảnh hưởng đến sức khỏe của má, nếu má muốn con ra khỏi nhà để bớt tức giận và thấy thanh thản hơn, thì con sẽ chấp nhận ra khỏi nhà. Còn không, má chỉ cần tha thứ cho con, chấp nhận con và đừng đối xử với con như vậy nữa, vì con sắp không thể chịu đựng nổi nữa rồi”.
Cuộc nói chuyện thẳng thắn giúp không khí gia đình nhẹ nhàng hơn. Đến năm 2012, mẹ Châu qua đời . Về phía gia đình Mỹ, khi biết sự thật, mọi người đều ủng hộ và chúc phúc cho cặp đôi. Cả hai đã sẵn sàng cho một đám cưới cổ tích và cuộc sống trọn đời bên nhau.
“Tình yêu của tôi và Mỹ âm thầm lớn dần cho tới khi tôi nhận ra mình sẽ giữ tình yêu này cả khi đi qua cái chết… Tôi đã chờ quá lâu để bước ra ánh sáng vì bổn phận với gia đình giữ chân tôi lại. Cuộc đời của tôi chỉ toàn là đau khổ và buồn bã, quyết định công khai đã mang tới nghị lực và tự hào cho tôi”, Châu viết.
Xa nhau hai bờ đại dương trong hơn ba thập kỷ, Kim Mỹ và Tuệ Châu vẫn giữ trọn tình yêu của mình. Sau những đau khổ tột cùng, họ đã chính thức được ở bên nhau. Ngày 20/2/2016 có lẽ là dấu mốc quan trọng của cuộc tình éo le ấy khi cả hai nắm tay nhau sang Canada bắt đầu cuộc sống mới. Nhìn lại, hơn 3 thập kỷ đầy đớn đau và nước mắt của Châu và Mỹ mới chỉ là chặng đường đầu tiên trong cả cuộc tình của họ.