Suy thoái đạo đức công vụ - xu thế gây nguy hại cho xã hội
Như Dân Việt đã đưa tin, vụ việc Tổng Công ty ĐSVN nghiên cứu, khảo sát mua toa xe đã qua sử dụng từ Trung Quốc đang được Bộ GTVT tiến hành kiểm tra, xác minh toàn bộ quy trình thực hiện để làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong vụ việc này, hiện mới chỉ có ông Nguyễn Viết Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội bị mất chức. Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN không tự nhận trách nhiệm.
Vụ việc mua toa xe cũ của Trung Quốc đang được dư luận quan tâm
Cho dù, chính ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có bút phê: "Nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc".
>> XEM THÊM: "Bút phê lạ" trong vụ mua toa tàu cũ của Trung Quốc
Không những thế, trong báo cáo gửi Bộ GTVT ông Trần Ngọc Thành cho rằng: "Tổng Công ty ĐSVN không có bất cứ văn bản nào cho phép đầu tư cũng như chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mua toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng".
Trả lời trên bản tin VTV1 ngày 19.2, GS.TSKH Phan Xuân Sơn - Học viện hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: "Văn bản có bút phê thể hiện rõ chính thống có cái chủ trương đấy. Thậm chí thể hiện vào văn bản rõ ràng như thế cho thấy đạo đức công vụ thiếu trung thực với cấp trên, thiếu trung thực với cấp dưới. Trong nền hành chính công vụ của chúng ta đang có sự suy thoái đạo đức công vụ. Trong những vụ việc như thế này cần phải làm rõ trách nhiệm".
Còn theo ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đây là một xu thế gây nguy hại xã hội. Ông Hùng cho hay: "Xu thế này không chỉ nguy hại về mặt quản lý, nguy hại về mặt kinh tế mà còn nguy hại cả về mặt văn hóa, đạo đức. Cần có sự đấu tranh để dần hạn chế, đẩy lùi xu thế không trung thực này".
Người bút phê phải chịu trách nhiệm
Cùng vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông nhận định: "Lãnh đạo Tổng Công ty có bút phê vào thì phải chịu trách nhiệm. Trong vụ việc nghiên cứu mua toa xe cũ cấp cao nhất Tổng Công ty phải chịu trách nhiệm chứ không chỉ là Giám đốc Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội".
>> XEM THÊM: Ý tưởng mua toa tàu cũ của TQ không phải “bột phát”
TS Thủy phân tích, nội dung bút phê chứng tỏ Chủ tịch HĐTV đã đồng ý để thực hiện chủ trương đó chứ không phải xin ý kiến của Bộ GTVT hay của ai cả. Do đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm bởi đã bút phê đồng ý việc nghiên cứu mua toa xe đó.
Văn bản có bút phê của ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam
Theo TS Thủy, cách xử lý vụ việc cũng cho thấy lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN không cầu thị, kỷ luật cấp dưới nhưng người chỉ đạo cấp dưới làm lại không nhận thấy cái sai của mình.
TS Nguyễn Xuân Thủy đánh giá: "Họ vẫn chối lỗi và đẩy quanh trách nhiệm. Đổ lỗi cho cấp dưới là không đúng. Theo tôi, nội dung bút phê đã rõ ràng. Không thể chối cãi được trách nhiệm của lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt trong vụ việc".
>> XEM THÊM: TGĐ vụ “mua toa xe cũ của Trung Quốc” bị cách chức oan!
Tuy vậy, ông Trần Ngọc Thành khi trả lời báo chí vẫn luôn khẳng định lãnh đạo tổng công ty “không có lỗi” trong sự việc này. Thậm chí, trong phần Nghị quyết do Hội đồng thành viên Tổng Công ty họp ngày 4.2.2016 cũng chỉ có phần kiểm điểm trách nhiệm của cấp dưới (Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và lãnh đạo Công ty), không có phần tự kiểm điểm của Tổng Công ty trong khi Bộ GTVT đã có yêu cầu.
Bình luận về vấn đề này, luật sư Phạm Quốc Bình (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc ông Trần Ngọc Thành Thành báo cáo cấp trên không trung thực, đổ lỗi cho cấp dưới trong vụ việc đề xuất chủ trương mua toa xe cũ của Trung Quốc, nói là vi phạm đạo đức công vụ là có cơ sở.
Ông Thành là một công chức (trước khi chuyển về làm Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty ĐSVN, ông thành là Vụ trưởng ở Bộ GTVT- NV), và nếu ông Thành vi phạm đạo đức công vụ, có thể căn cứ vào Luật Công chức để xem xét. Điều 79 của Luật Cán bộ, công chức 2008 có quy định rõ công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc.
Còn nếu muốn xem xét vụ việc có sai phạm hay không về mặt luật pháp, luật sư Phạm Quốc Bình cho rằng, nhất thiết phải dựa vào Quy hoạch phát triển ngành đường sắt trong giai đoạn hiện nay tới 2020, tầm nhìn 2030 xem Quy hoạch có chủ trương tiếp tục sử dụng, khai thác đường tàu có khổ 1m hay không, có chủ trương mua và sử dụng toa xe đã qua sử dụng hay là yêu cầu phát triển công nghiệp đóng mới toa xe, từ đó mới có thể kết luận chính xác có hay không các sai phạm về mặt luật pháp trong vụ việc này.
“Tôi được biết Bộ GTVT đang lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra tổng thể vụ việc. Hy vọng là các kết luận về vụ việc sẽ sớm được công khai một cách công bằng, khách quan nhất”, luật sư Bình đánh giá.
Đối chiếu với bản điều chỉnh quy hoach phát triển đường sắt từ nay tới 2030 do Thủ tướng phê duyệt tháng 8.2015, trong phần Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, trong phần Công nghiệp đường sắt có ghi rõ:
“Cải tạo, xây dựng cơ sở chế tạo, lắp ráp đầu máy toa xe, sản xuất phụ tùng với tỷ lệ nội địa hóa phấn đấu đạt từ 40 -60%...”, “Toa xe: Tập trung công nghiệp phát triển đóng mới toa xe, cung cấp cho tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu cho các nước trong khu vực”…
Dự kiến, trước ngày 25.2 Tổ công tác của Bộ GTVT sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ về việc kiểm tra đề xuất mua, nhập toa xe đã qua sử dụng của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.
Nếu không đổi mới, tôi sẽ từ chức Còn nhớ, năm 2014, ông Trần Ngọc Thành, khi mới được điều về Tổng Công ty ĐSVN hơn 6 tháng đã mạnh miệng tuyên bố công khai trong hội nghị tái cơ cấu của ngành đường sắt rằng: "Năm 2014 nếu không đổi mới được sẽ từ chức". Khi đó, ông Trần Ngọc Thành đã khá mạnh dạn nói: "Thời gian tôi về ngành chưa dài nhưng mấy tháng cũng đủ để biết - tuy không hết - nhưng là những điều cơ bản về những thế mạnh cũng như những tồn tại của ngành đường sắt Việt Nam, những điều mà ngành đường sắt Việt Nam cần phải tập trung tháo gỡ và thay đổi hình ảnh như mọi người vẫn bình luận là “đừng sờ vào nó” (ĐSVN). Chúng tôi muốn đường sắt Việt Nam sẽ được dịch lại thành “đứng sát vào nó”, để giải quyết và đối mặt với tất cả những tồn tại hiện nay". |