Dân Việt

1.500 tin nhắn gửi Bí thư Thăng, đừng là "nợ xấu"

Phạm Trung Tuyến 22/02/2016 06:30 GMT+7
Nếu như biểu tượng về sự cứu rỗi giống như cây thập tự trên đồi Golgotha thì 1.500 tin nhắn mà ông Thăng nhận được trong một đêm là 1.500 cái đinh câu rút.

Đã lâu lắm rồi, rất hiếm khi, hành động của một chính trị gia trở thành cảm hứng truyền thông lấn át cả những bê bối của giới tài tử, ca nương. Đó là một chỉ dấu đáng mừng trong một xã hội tưởng như người dân đã dần vô cảm với những vấn đề quốc kế dân sinh.

Trong một bầu không khí quan trường lặng lẽ mà quá nửa trong số gần 500 đại biểu Quốc hội chưa từng được dẫn lời trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì những phát ngôn, hành động trên trang nhất của hầu như mọi tờ báo của một chính trị gia chắc chắn là một cảm xúc tích cực cho xã hội.

Với những người cẩn trọng, đa nghi, những phát ngôn hành động đầy cảm xúc của ông Đinh La Thăng có thể sẽ bị nhìn nhận như một động thái PR, đánh bóng hình ảnh nhằm thu hút sự chú ý, tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng. Nhưng điều đó có gì sai? Có gì sai khi một chính trị gia mong muốn có được ảnh hưởng tới công chúng?

img

Một chính trị gia xây dựng hình ảnh tích cực cho mình dĩ nhiên là không có gì sai trái. Không những thế, hành động của ông Đinh La Thăng còn vô cùng dũng cảm. Nếu như biểu tượng về sự cứu rỗi giống như cây thập tự trên đồi Golgotha thì 1.500 tin nhắn mà ông Thăng nhận được trong một đêm là 1.500 cái đinh câu rút. Ông Bí thư đã tự treo mình vào sự kỳ vọng của cần lao.

Công bố số điện thoại và khuyến khích người dân nhắn tin và gọi điện cho mình sau khi đã có những động thái thể hiện sự sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu bức thiết của người dân, đó là một hành động dũng cảm, và mạo hiểm.

Trước hết, đó là sự mạo hiểm với thời gian vật chất của bản thân. Dẫu biết rằng ông Bí thư sẽ luôn có một bộ phận giúp việc để xử lý lượng tin nhắn khổng lồ mỗi ngày, song nếu chỉ trông chờ vào khả năng xử lý thông tin của bộ phận giúp việc thì cái dấu ấn cá nhân mà ông dày công xây dựng sẽ không nhiều ấn tượng.

Sự mạo hiểm đáng kể hơn là những rủi ro truyền thông. Mỗi tin nhắn của người dân gửi đến là một niềm hy vọng, một sự gửi gắm, và một ngày chưa đáp ứng được sự kỳ vọng đó là một ngày ông mang nợ người dân. Món nợ mà ông đã tự nguyện đứng ra gánh vác với ít nhiều cô đơn.

Món nợ mà ông Bí thư Thành ủy TP HCM tự nguyện gánh vác đối với người dân của thành phố là món nợ niềm tin. Là người đứng đầu Đảng bộ của thành phố, ông Đinh La Thăng đã đặt uy tín, danh dự và tâm trí của mình để tạm ứng niềm tin của người dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển của thành phố.

Xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Bằng những phát ngôn và hành động của mình Bí thư Đinh La Thăng đã thành công trong việc xây dựng niềm tin ở công chúng. Còn một chặng đường đầy chông gai phía trước để ông có thể củng cố niềm tin ấy.

Để xây dựng niềm tin của công chúng, đôi khi người ta chỉ cần đưa ra những lời hứa, đôi khi chỉ cần những cam kết được xác quyết bởi một cá nhân. Nhưng để củng cố niềm tin của 10 triệu người dân thành phố, người ta không thể chỉ trông vào sự tỏa sáng của một ngôi sao.

Ông Bí thư Đinh La Thăng đã rất dũng cảm khi đứng ra để tạm ứng niềm tin của người dân thành phố. Và bây giờ, hy vọng ông có đủ niềm tin vào tập thể Đảng bộ và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, tin vào sự quyết tâm củng cố niềm tin mà ông vừa có được.

 Món nợ niềm tin, không bao giờ nên là nợ xấu!