CP đang chi phối thị trường thịt lợn
Tại cuộc họp hôm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã đồng loạt “tố” Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đã chi phối thị trường thịt lợn nước ta. Ông Lê Văn Mẽ Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Phú Sơn (Đồng Nai) cho biết: Hiện công ty đang nuôi 4.000 con lợn nái, 35.000 lợn thịt, mặc dù giá thịt lợn đang ở mức cao, nhưng không dám đầu tư mở rộng thêm mặc dù vẫn có lãi 29-41 tỷ đồng/năm.
Giải thích lý do, ông Mẽ nói thẳng: “Nếu cứ để chính sách như thế này, người Việt Nam chúng ta chỉ có nước đi làm thuê cho người khác, như hiện nay Công ty CP đã chi phối hết thị trường thịt lợn do họ có tiềm lực mạnh, còn các doanh nghiệp nhỏ, lẻ của nước ta cứ teo dần đi, các doanh nghiệp nhà nước thì không phát triển lên được.
Dịch bệnh phức tạp nên người nuôi không dám nuôi nhiều, dẫn tới nguồn cung thịt lợn thiếu. |
Ông Mẽ phân tích tiếp: “Họ (CP) đang có một hình thức trốn thuế hợp pháp, mà chúng ta không làm gì được. Họ sản xuất thức ăn chăn nuôi rồi chuyển xuống hệ thống trang trại gia công của người Việt Nam đã ký hợp đồng, như vậy rõ ràng là họ không mất tiền thuê đất để nuôi lợn, không phải đóng thuế”.
Đồng tình quan điểm với ông Mẽ, ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết: “Tình trạng tăng giá đột biến như thế này chỉ mang lại lợi nhuận cho các công ty chăn nuôi với quy mô lớn liên doanh với nước ngoài, cụ thể ở đây là CP Thái Lan.
Lý do là, mặc dù chi phí đầu vào mọi thứ đều tăng, nhưng công ty này không phải bỏ tiền ra, mà do người chăn nuôi phải đầu tư. Hơn nữa, CP hiện vẫn đang áp dụng hợp đồng từ những năm trước, họ chỉ mua lợn hơi với giá có 35.000-40.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường hiện nay đã là 67.000 đồng/kg, nhưng công ty này vẫn không chịu điều chỉnh giá bán, gây bức xúc cho người chăn nuôi”.
Ông Chiến còn tiết lộ: “Cuối tháng Sáu vừa rồi, 234 chủ trang trại với tổng đàn 365.000 con ở 16 tỉnh phía Bắc nuôi lợn gia công cho CP đã họp và làm đơn gửi lên công ty, nhưng họ chỉ đồng ý tăng… 100 đồng/kg lợn hơi và 10.000 đồng/lợn cai sữa”.
Vì sao giá thịt tăng?
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến giá thực phẩm tăng, các doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân chính vẫn do nguồn cung bị sụt giảm, cộng với yếu tố lãi suất cao, dẫn đến các mặt hàng thực phẩm buộc phải thiết kế một mặt bằng giá mới.
Ông Chung Kim - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi và chế biến gia súc Kim Long (Bình Dương) cho rằng: “Có thể khẳng định giá tăng là do cung- cầu. Bây giờ lượng lợn cung ứng ra thị trường rất khan hiếm, các thương lái thường xuyên đi lùng sục mua. Lợn mới 60-62kg/con, họ đã mua rồi. Thêm vào đó, do dịch bệnh diễn ra rất phức tạp, nên người chăn nuôi rất sợ, không dám nuôi lớn. Như công ty tôi hiện có 1.200 con nái, mặc dù giá đang rất tốt, nhưng tới tháng 8 này tôi sẽ giảm xuống còn 600 con và tiến tới… nghỉ”.
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty DABACO Việt Nam lại cho rằng, giá thịt lợn tăng do có sự thu gom của phía Trung Quốc, gây mất cân đối cung cầu. Ông nói: “Việc cơ quan thú y báo cáo trong 6 tháng đầu năm nay, chúng ta xuất có 96 tấn thịt lợn sang Trung Quốc là không chính xác. Như ở Bắc Ninh, tại thời điểm này, thương lái Trung Quốc sang mua lợn rất nhiều, có ngày họ mua đến cả 2-3 xe conteiner, ước tính hơn 100 tấn”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định: “Hiện cơ cấu cung- cầu thịt lợn đang mất cân đối tại một số thời điểm, ở một số địa phương, nên đã tạo ra khan hiếm cục bộ do người chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng, ước tính hiện có từ 10-30% số hộ đã bỏ nuôi lợn. Theo tính toán của chúng tôi, giá thịt lợn thăn chỉ ở mức 120.000-130.000 đồng/kg, nhưng thực tế giá ở chợ đã lên đến 140.000-170.000 đồng/kg, điều này chứng tỏ cũng có cả yếu tố các thương lái kích giá lên. Dự báo giá thịt lợn sẽ giảm từ tháng 8 tới do sản lượng thịt lợn có thể tăng thêm 5%”.
Lê Hân